Biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ đến sinh kế của phụ nữ ở ĐBSCL

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 17:22, 19/10/2022

Ngày 19.10, Trung tâm Vì sự phát triển phụ nữ ĐBSCL và Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu - DRAGON-Mekong (Trường đại học Cần Thơ) phối hợp tổ chức hội thảo “Sinh kế, phụ nữ và khan hiếm nguồn nước ở ĐBSCL”.
images2486262_bvl_anh_10.jpg
Các thành phố ĐBSCL liên tục bị ngập do triều cường ngày càng cao - Ảnh: CXL

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu Văn Phạm Đăng Trí, hội thảo được tổ chức với mục đích nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng (nhất là nông dân và phụ nữ) thông qua việc tìm hiểu những thách thức về khan hiếm nguồn nước đang xảy ra ở ĐBSCL. Những biến đổi này tác động đến sinh kế và đời sống của phụ nữ, các vấn đề nước giữa các vùng (vùng ngập, vùng giữa, vùng ven biển) về mặt tự nhiên và quản lý; tìm hiểu các giải pháp thích ứng và quản lý tài nguyên nước cung cấp những cơ hội thay đổi hướng đến sự phát triển bền vững đồng bằng.

picture3.png
Hạn hán cũng là hiểm họa ở ĐBSCL hiện nay - Ảnh: Internet

Hội thảo nằm trong chương trình hợp tác sâu rộng hơn của Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu với Viện Khoa học lâm nghiệp, Trường đại học quốc gia Lào. Chương trình này được sự tài trợ của Quỹ hợp tác chiến lược giai đoạn 2 (SCF2) châu Á. Chương trình đã triển khai dự án “Thúc đẩy quản lý tổng hợp tài nguyên nước và nâng cao khả năng chống chịu với khí hậu ở hạ lưu sông Mekong”. Dự án được thực hiện nhằm mục đích nâng cao khả năng chống chịu với sự thay đổi tài nguyên nước và biến đổi khí hậu hướng đến phát triển bền vững đồng bằng bằng cách nhận diện những thách thức nghiêm trọng mà khu vực đang đối mặt; từ đó phân tích, tìm kiếm giải pháp dựa trên những bằng chứng khoa học và thiên nhiên thông qua việc đối thoại với các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân và những đối tượng có liên quan. Trọng tâm của dự án tại ĐBSCL là vấn đề về khan hiếm nguồn nước với sinh kế và đời sống phụ nữ.

Tại hội thảo, TS Trần Anh Thông (Khoa Địa lý trái đất và khoa học khí quyển (Đại học Melbourne, Úc) đã báo cáo đề tài nghiên cứu “Sinh kế, phụ nữ và khan hiếm nguồn nước ở ĐBSCL”. TS Thông cho rằng “Sự thay đổi tài nguyên nước và biến đổi khí hậu dẫn đến thiếu nước; xâm nhập mặn; ngập lụt đô thị. Các vùng bị tác động: vùng trũng (An Giang, Đồng Tháp, Long An); vùng giữa (Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long); vùng ven biển (Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang).

Nguồn nước mặt nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu trong nông nghiệp, chăn nuôi, cấp nước cho sinh hoạt có những biến động bất thường do biến đổi khí hậu. Trong đó có vấn đề hạn hán, nước biển dâng, sự bất thường của thời tiết, khí hậu.

picture7.png
Phụ nữ là đối tượng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu - Ảnh: Internet

Chẳng hạn Cần Thơ đã và đang phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến nguồn nước như triều cường, sạt lở đất, nắng nóng, bão, lốc xoáy, kéo theo những hiểm họa khác như xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh...

Nước biển dâng kết hợp với hạn hán kéo dài nên xâm nhập mặn có xu hướng xâm nhập sâu vào các kênh rạch, nội đồng vùng ngọt. Vào mùa lũ, một số vùng vẫn chưa nâng cấp hệ thống đê điều, cống thoát gây ngập cục bộ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc canh tác lúa, rau màu... và sinh hoạt của người dân.

Khi triều cường dâng cao kết hợp với mưa lớn sẽ gây ngập cục bộ trên địa bàn TP và các huyện lân cận. Các huyện ven biển bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất, sấm sét, dông lốc... gây mất nhiều diện tích đất canh tác, thiệt hại tài sản của dân.

picture4.png
Sạt lở, thiên tai ở ĐBSCL

Hạn hán kéo dài khiến người dân bị thiếu nước uống, thiếu nước sinh hoạt, mặt khác người dân cũng không có dụng cụ chứa nước sử dụng lâu dài, chỉ có lu hoặc bồn chứa nhỏ, sử dụng được khoảng 1 tháng là hết nước trong khi hạn hán kéo dài đến hơn nửa năm.

Thạc sĩ Ngô Thị Tuyết Em - Giám đốc Trung tâm Vì sự phát triển phụ nữ ĐBSCL cho rằng tác động khan hiếm nguồn nước tác động mạnh đến đời sống phụ nữ đồng bằng sông Cửu Long. 

Một số mô hình thích ứng biến đổi khí hậu do hội phụ nữ đang thực hiện ở các tỉnh trong vùng, mục đích để kiếm thêm thu nhập cho phụ nữ như: tổ hợp tác trồng bông điên điển, trồng sen, trồng nấm rơm trong nhà kính, thủ công mỹ nghệ, đan lát lục bình, làm khô từ cá, quy hoạch vùng nuôi để chủ động nguyên liệu sản xuất, không phụ thuộc vào thiên nhiên...

Việc nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, tài nguyên nước, hỗ trợ chuyển đổi mô hình canh tác cho hộ gia đình (chồng và cả vợ), đồng bộ (lồng ghép hoạt động của địa phương); sinh kế làng nghề bền vững... đang được các hội phụ nữ các tỉnh triển khai thực hiện.

ĐBSCL có 2,6 triệu hecta đất; so với cả nước, vùng này chiếm 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu (theo VCCI, 2020). Vì vậy, biến đổi khí hậu, nước biển dâng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Nhiều ý kiến từ hội thảo cũng xoay quanh vấn đề giảm nhẹ thiên tai tác động đến thiên nhiên và con người ĐBSCL. Trong đó hội thảo cũng đề ra các giải pháp hỗ trợ phụ nữ, trẻ em, những đối tượng dễ bị tác động trong biến đổi khí hậu.

Kết luận hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu Văn Phạm Đăng Trí cho rằng vùng ĐBSCL là vùng đất giàu tiềm năng. Tuy nhiên vùng đất này cũng đang đứng trước thách thức lớn biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để nâng cao khả năng chống chịu với sự thay đổi tài nguyên nước và biến đổi khí hậu. Hướng đến sự phát triển bền vững ĐBSCL bằng cách nhận diện những thách thức nghiêm trọng khu vực đang đối mặt, trên cơ sở đó việc thảo luận chính sách để thúc đẩy, tăng cường tính hiệu quả của công việc quản lý tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên nước ở ĐBSCL.

Ngoài ra, phụ nữ là đối tượng dễ bị tổn thương, dễ bị ảnh hưởng nặng nề của tác động biến đổi khí hậu nói chung và tài nguyên nước nói riêng. Nhiều ý kiến rất thiết thực trong việc bảo vệ và tạo điều kiện để phụ nữ phát triển trong điều kiện khó khăn do biến đổi khí hậu.

Hội thảo khép lại nhưng nhiều vấn đề lớn đặt ra và các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục nghiên cứu trước những đổi thay của thiên nhiên. Từ đó nhà nước có những chính sách phù hợp cho vùng ĐBSCL.

Văn Kim Khanh