Việt Nam có hơn 3.000 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, 40 quỹ đầu tư mạo hiểm
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 08:40, 01/06/2020
Hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Cụ thể, theo thông tin từ Bộ KH-CN đưa ra tại Hội nghị Giám đốc Sở KH-CN, kết quả năm 2019 cho thấy có 41 doanh nghiệp KH-CN được thành lập; 361 dự án khởi nghiệp nhận được hỗ trợ từ ngân sách; 370 doanh nghiệp nhận được vốn đầu tư từ các doanh nghiệp mạo hiểm; 357 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được hình thành
Có 4 địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH-CN (Bộ KH-CN) tổ chức Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở quy mô cấp vùng (Hà Nội, Bà Rịa-Vũng Tàu, Lâm Đồng và Cần Thơ) mang lại kết quả rất tốt, đã lựa chọn được nhiều mô hình tham gia Techfest cấp quốc gia.
Hội nghị Giám đốc Sở KH-CN được tổ chức mới đây tại Hà Nội
Nhiều cộng đồng khởi nghiệp lớn dần hình thành, hoạt động hiệu quả như Starthub.vn, Twenty.vn, Startup.vn và Launch. Một số đơn vị ươm tạo, hỗ trợ khởi nghiệp hình thành trong khu vực tư nhân như Topica Founder Insititute, 5 Desire, Hatch!Program và khu vực công lập như vườn ươm đã được thành lập trong Đại học Bách Khoa Hà Nội, Khu CNC Hòa Lạc…
Theo khảo sát của Bộ KH-CN, cả nước hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, có hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm được thành lập như CLB Hatch Angels của một số nhà đầu tư thiên thần tại Hà Nội; CLB nhà đầu tư thiên thần thuộc CLB doanh nghiệp dẫn đầu tại TP.HCM; Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp KH-CN Việt Nam, Quỹ Ươm mầm hành động do các nhà đầu tư người Việt Nam ở nước ngoài khởi xướng...
Phát triển chưa đồng đều
Dưới góc nhìn của nhà quản lý, ông Phạm Hồng Quất (Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH-CN) cho biết hiện hành lang pháp lý về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được củng cố và từng bước hoàn thiện đã tạo điều kiện cho hoạt động phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển doanh nghiệp KH-CN.
Nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, các tỉnh, thành phố đã đưa ra rất nhiều chương trình, kế hoạch và quyết định để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Điển hình như tỉnh Đồng Nai đã quyết định phê duyệt Kế hoạch “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2018-2023”. Tuần lễ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM năm 2019 - WHISE 2019 được biết tới là sự kiện thường niên này do UBND TP.HCM phối hợp với Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam chủ trì.
Là một trong những vùng kinh tế trọng điểm, TP.Đà Nẵng hiện có 6 vườn ươm, gồm 2 vườn ươm của nhà nước, 1 vườn ươm hợp tác công tư và 1 vườn ươm của tư nhân, 2 vườn ươm của trường đại học, cao đẳng, 2 không gian sáng tạo, 10 không gian làm việc chung. Ngoài ra, TP.Đà Nẵng đã hỗ trợ phát triển hơn 60 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ phát triển 35 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...
Techfest Việt Nam 2019 là một trong những sự kiện tiêu biểu và nổi bật
Đặc biệt, tháng 12.2019 tại Quảng Ninh, Techfest Việt Nam 2019 đã thể hiện bức tranh tổng thể của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam thông qua chuỗi các hoạt động hấp dẫn. Techfest 2019 đã thu hút 6.000 người đến tham dự, trên 800 doanh nghiệp khởi nghiệp, khoảng 300 nhà đầu tư và quỹ đầu tư quốc tế, 300 doanh nghiệp cùng các tập đoàn kinh tế lớn và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp…
Bên cạnh những thành công đã đạt được, các chuyên gia, các nhà quản lý cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng khởi nghiêp đổi mới sáng tạo chưa có sự đồng đều giữa các tỉnh, thành phố mà chỉ đang tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn (TP.HCM, Hà Nộị, Hải Phòng, Thái Nguyên, Nghệ An… ), còn lại các địa phương thuộc các tỉnh/thành vùng Tây Bắc, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên… mới dừng lại ở mức độ tuyên truyền, tổ chức các Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật. Các hoạt động kết nối các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp giữa tỉnh, thành phố trong khu vực, cũng như giữa các vùng lân cận còn hạn chế.
Là địa phương có nhiều doanh nghiệp KH-CN nằm trong nhóm dẫn đầu của cả nước, theo ông Nguyễn Hồng Sơn (Giám đốc Sở KH-CN Hà Nội), phát triển thị trường công nghệ cũng như doanh nghiệp KH-CN cần tương xứng với tiềm năng bởi hiện nay hoạt động này còn thiếu gắn kết, dịch vụ KH-CN còn yếu, số doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài còn khiêm tốn...
Ông Sơn đề xuất Bộ KH-CN cần thực hiện giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường KH-CN; liên kết chặt chẽ với các địa phương trong việc hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; nghiên cứu thêm về cách thức xác định giá trị tài sản là kết quả của nhiệm vụ KH-CN.
Thu Anh