Lam Research dự báo mất doanh thu tới 2,5 tỉ USD do Mỹ hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc

Thế giới số - Ngày đăng : 09:56, 20/10/2022

Hôm 19.10, nhà cung cấp công nghệ chế tạo chip Lam Research Corp đã dự báo về mức doanh thu từ 2 tỉ đến 2,5 tỉ USD có thể mất vào năm 2023 do việc Mỹ hạn chế xuất khẩu các lô hàng công nghệ cao cấp sang Trung Quốc.

Theo các quy định sâu rộng do chính quyền Joe Biden công bố hồi đầu tháng 10, các công ty Mỹ phải ngừng cung cấp cho các nhà sản xuất chip Trung Quốc thiết bị có thể sản xuất chip tương đối tiên tiến trừ khi họ xin được giấy phép xuất khẩu.

"Chúng tôi đã thực hiện các bước cần thiết để đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy tắc và đã ngừng vận chuyển và hỗ trợ theo yêu cầu", Timothy Archer, Giám đốc điều hành Lam Research Corp, cho biết trong một cuộc gọi với nhà phân tích.

Có 30% hoạt động kinh doanh đến từ Trung Quốc, Lam Research Corp là công ty mới nhất cảnh báo rủi ro từ các hạn chế bán hàng.

Lam Research Corp báo cáo thu nhập quý mạnh mẽ hôm 19.10 và đưa ra dự báo doanh thu khả quan cho giai đoạn hiện tại.

Theo dữ liệu của hãng Refinitiv, Lam Research Corp dự kiến ​​doanh thu quý 2 từ 4,80 tỉ USD đến 5,40 tỉ USD, cao hơn mức 4,91 tỉ USD mà các nhà phân tích ước tính.

Timothy Archer cho biết dự báo quý 4/2022 có các yếu tố tác động đến từ việc hạn chế xuất khẩu.

lam-research-du-bao-mat-doanh-thu-25-ti-usd.jpg
Lam Research Corp dự báo về có thể mất doanh thu 2,5 tỉ USD vào năm 2023 do việc Mỹ hạn chế xuất khẩu các lô hàng công nghệ cao cấp sang Trung Quốc

Tuần trước, Applied Materials Inc ước tính doanh thu thuần giảm từ 250 triệu đến 550 triệu USD trong quý kết thúc vào ngày 30.10, với tác động tương tự dự kiến ​​trong ba tháng tiếp theo.

Applied Materials Inc cho biết các hạn chế xuất khẩu sẽ làm giảm doanh thu thuần trong quý 4 của công ty khoảng 400 triệu USD, cộng hoặc trừ 150 triệu USD. Lợi nhuận điều chỉnh dự kiến ​​là 1,54 USD đến 1,78 USD mỗi cổ phiếu, giảm so với dự báo trước đó là 1,82 USD đến 2,18 USD.

Do đó, Applied Materials Inc đã điều chỉnh triển vọng doanh thu quý 4/2022 từ 6,15 tỉ USD đến 6,65 tỉ USD, so với dự báo trước đó là 6,25 tỉ USD đến 7,05 tỉ USD và thấp hơn ước tính của các nhà phân tích là 6,67 tỉ USD, theo dữ liệu của Refinitiv.

Applied Materials Inc cũng cho biết gần đây đã nhận được trát đòi hầu tòa từ Văn phòng Luật sư quận Massachusetts yêu cầu cung cấp thông tin liên quan đến khách hàng của họ ở Trung Quốc.

Cảnh báo từ Applied Materials được đưa ra khi ngành công nghiệp chip toàn cầu đang phải đối mặt với những cơn gió lớn do nhu cầu giảm trong máy tính, smartphone và các thiết bị điện tử khác.

ASML và Lam Research rút các kỹ sư Mỹ khỏi hoạt động sản xuất chip ở Trung Quốc

ASML Holdings và Lam Research, hai nhà cung cấp công cụ sản xuất chip hàng đầu thế giới, đang cố gắng tuân thủ các hạn chế thương mại mới nhất của Mỹ với Trung Quốc bằng cách rút các kỹ sư Mỹ ra khỏi hoạt động của họ ở nước này.

ASML không tạo ra chip. Thay vào đó, công ty Hà Lan bán máy in thạch bản cực tím cho các nhà sản xuất chất bán dẫn để tạo ra những chip tiên tiến nhất.

ASML là công ty duy nhất trên thế giới chế tạo những chiếc máy như vậy, mang lại cho họ độc quyền trên thực tế với phân khúc này trong chuỗi cung ứng. Qua đó, ASML trở thành một trong những công ty quan trọng nhất trong ngành bán dẫn.

ASML vừa đưa ra một bản ghi nhớ nội bộ yêu cầu nhân viên Mỹ của mình, bao gồm cả những người có thẻ xanh, không được phục vụ trực tiếp hoặc gián tiếp cho khách hàng ở Trung Quốc cho đến khi có thông báo mới.

Động thái này nhằm giải quyết vấn đề tuân thủ yêu cầu mới từ chính quyền Biden hạn chế sự tham gia của người Mỹ vào các cơ sở chip tiên tiến ở Trung Quốc.

ASML vẫn đang tích cực đánh giá xem những cơ sở cụ thể nào bị ảnh hưởng bởi hạn chế này”, theo một bản ghi nhớ mà công ty gửi cho nhóm quản lý Mỹ của mình.

Trong khi đó, Lam Research cùng KLA Corp đã rút các kỹ sư Mỹ ra khỏi việc hỗ trợ thiết bị cho khách hàng Trung Quốc, bao gồm cả Yangtze Memory Technologies Company (nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu Trung Quốc), theo một báo cáo của trang Wall Street Journal.

Trong chuyến thăm văn phòng Lam Research tại Trạm Giang (được gọi là Thung lũng Silicon của thành phố Thượng Hải), phóng viên SCMP tiếp cận các nhân viên nơi đây nhưng họ không trả lời về vấn đề đó. Một quan chức tiếp thị từ văn phòng Lam Research ở Thượng Hải cho biết công ty không có gì để nói về chuyện đó.

Sự thận trọng này đến khi nhân viên Mỹ của các doanh nghiệp liên quan đến chip ở Trung Quốc vội vàng tuân thủ các quy định mới của Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ (BIS), cơ quan thuộc Bộ Thương mại Mỹ.

Các hạn chế mới nhất dự kiến ​​sẽ giáng đòn mạnh vào ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc vì các kỹ sư và lãnh đạo có hộ chiếu hoặc quốc tịch Mỹ đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp chip đang phát triển của Trung Quốc.

Wang Lifu, nhà phân tích tại công ty tư vấn bán dẫn ICWise có trụ sở ở Thượng Hải, cho biết nhà cung cấp như ASML và KLA cũng như các khách hàng Trung Quốc của họ sẽ bị ảnh hưởng.

Có trụ sở chính tại khu vực đô thị Veldhoven (Hà Lan), ASML thành lập và hoạt động tại Trung Quốc vào năm 2000, hiện sở hữu 12 văn phòng ở quốc gia này.

Được thành lập vào năm 1980, Lam Research là nhà cung cấp thiết bị chế tạo đĩa bán dẫn có trụ sở tại Thung lũng Silicon (Mỹ), với người sáng lập David K. Lam là kỹ sư gốc Trung Quốc, từng làm việc tại Xerox, Hewlett-Packard và Texas Instruments.

Theo trang web của công ty, Trung Quốc là một thị trường quan trọng với Lam Research và họ vẫn có một số cơ hội việc làm ở Thượng Hải, từ kỹ sư dịch vụ hiện trường đến kỹ thuật viên công nghệ.

Shen Bo, Phó chủ tịch cấp cao ASML kiêm Giám đốc tại Trung Quốc, cho biết công ty đã tăng số lượng nhân sự địa phương từ dưới 500 vào năm 2017 lên hơn 1.500 vào cuối tháng 8, theo báo cáo của trang Outlet Jiemian News.

Sơn Vân