Nhật Bản thúc đẩy nghiên cứu công nghệ quốc phòng, cho tư nhân tham gia
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:19, 20/10/2022
Báo Nhật Yoshimuri Shimbun dẫn các nguồn tin chính phủ Nhật, cho biết Tokyo đang lên kế hoạch trong năm tài khóa 2024 sẽ lập một viện nghiên cứu, nhằm ứng dụng các công nghệ hiện đại do tư nhân phát triển vào lĩnh vực quốc phòng.
Viện này sẽ thuộc Cơ quan mua sắm, Công nghệ và Hậu cần (ATLA) sẽ xác định nghiên cứu các công nghệ được đánh giá là cần thiết cho chiến tranh tương lai, ở các lĩnh vực như AI, UAV.
Viện nghiên cứu mới sẽ dựa theo mô hình Cơ quan Phát triển Dự án Quốc phòng tiên tiến (DARPA) và Đơn vị thực nghiệm các Sáng kiến Quốc phòng (DIU). Đây là hai tổ chức nghiên cứu của chính phủ Mỹ.
DARPA từng góp phần tạo nên internet và hệ thống định vị toàn cầu GPS. Trong khi đó, DIU là cầu nối giữa Bộ Quốc phòng Mỹ với lĩnh vực tư nhân, góp phần khám phá các công nghệ dân sự được dùng vào lĩnh vực mạng và UAV.
Viện nghiên cứu mới sẽ nhắm mục tiêu kết nối các công nghệ tiên tiến để có thể ứng dụng vào các mục đích quân-dân sự khi phát triển các khí tài.
Việc sử dụng tích cực các công nghệ tiên tiến cho cả mục đích quân sự và dân sự là điều phổ biến ở nước ngoài, nhưng cảm giác chán ghét đối với lĩnh vực quốc phòng vẫn tồn tại trong giới học thuật Nhật Bản.
Vì sự nghiên cứu hợp tác công-tư ở Nhật không đạt nhiều tiến bộ như ở Mỹ, Trung Quốc và các nước khác, chính phủ Nhật quyết định khắc phục cách biệt bằng cách quyết lập một tổ chức đặc biệt có sự hỗ trợ của nhà nước.
Dự kiến viện nghiên cứu mới của Nhật sẽ cung cấp kinh phí trung hạn và dài hạn cho nhiều công ty, viện nghiên cứu và các đại học, gồm từ các tập đoàn lớn cho đến các công ty khởi nghiệp.
Cũng có kỳ vọng lĩnh vực tư nhân sẽ tìm đến viện để nhận kinh phí, mục tiêu là cung cấp kinh phí hỗ trợ khoảng 1 ngàn tỉ Yen/năm.
Chương trình quảng bá nghiên cứu an ninh quốc gia của ATLA có trợ giúp lĩnh vực tư nhân nghiên cứu, nhưng chỉ cấp kinh phí khoảng 10 tỉ Yen/năm và thời gian hỗ trợ kinh phí thường chỉ trong 2 hoặc 3 năm.
Do chương trình này không đạt đến nhiều kết quả đáng kể, viện nghiên cứu mới được kỳ vọng sẽ cung cấp sự hỗ trợ kinh phí dài hơi.
Các lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ sẽ gồm AI, UAV, công nghệ lượng tử và sóng điện từ. Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh nhau quyết liệt ở các lĩnh vực này, do chúng đều có tiềm năng làm thay đổi cục diện chiến tranh.
Tờ Yomiuri Shimbun đưa tin chính phủ Nhật sẽ chú trọng phát triển củng cố, để củng cố khả năng răn đe của khối đồng minh Nhật Mỹ.
Viện nghiên cứu mới sẽ có các kỹ thuật viên đảm nhiệm vai trò quản lý dự án, chịu trách nhiệm trên các kế hoạch nghiên cứu, ngân sách và kiểm soát chất lượng, tư vấn cho các nhà nghiên cứu. Một số quản lý dự án được kỳ vọng sẽ đến từ lĩnh vực tư nhân.
Các kỹ thuật viên cũng sẽ tìm kiếm các nghiên cứu có tiềm năng thương mại ngay từ ban đầu và vận động sự ủng hộ, làm cầu nối giữa viện với các công ty lớn thuộc ngành quốc phòng, nhằm thực hiện sản xuất hàng loạt các khí tài.