Trung Quốc khuyến khích nông dân trồng giống lúa lâu năm mới
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:25, 20/10/2022
Đây là thành quả hợp tác giữa công ty BGI Thẩm Quyến và đại học Vân Nam. Nhà khoa học Lưu Hoan làm việc cho BGI tuyên bố giống lúa mới tạo ra một cuộc cách mạng.
“Có nhiều khu vực không thể áp dụng phương thức canh tác cơ giới hóa, thiếu lao động hoặc phần lớn diện tích đất bị bỏ hoang. Với giống lúa này ta có thể tận dụng tốt phần đất canh tác bỏ hoang, nên Bộ Nông nghiệp rất ủng hộ quảng bá”, theo nhà khoa học Lưu.
Ý tưởng giống lúa thu hoạch suốt vài năm với một lần gieo hạt xuất hiện lần đầu tiên vào những năm 1930. Nhưng phải đến những năm 1980 giới khoa học mới đạt tiến bộ trong phát triển giống lúa mì, ngô, lúa nước được trồng trên khắp thế giới.
Giống lúa có tên trong danh sách Bộ Nông nghiệp Trung Quốc được phát triển bởi giáo sư Hồ Phượng Ích thuộc đại học Vân Nam. Nông dân địa phương lần đầu trồng giống mới vào năm 2018, cho năng suất khoảng 15 tấn/hecta – cao gấp đôi các giống truyền thống, theo Trung tâm Số liệu lúa gạo quốc gia Trung Quốc.
Không những vậy giống mới còn giúp giảm hơn 50% chi phí đầu vào và đơn giản hóa việc quản lý cây trồng.
Theo một nghiên cứu đăng tải trên nền tảng Research Square, chi phí sản xuất lúa lâu năm tương đương chi phí của các giống truyền thống trong năm đầu tiên, nhưng vì không cần gieo hạt ở những năm tiếp theo nên nông dân có thể tiết kiệm tối đa 1.400 USD/vụ.
Nhà sinh thái học Laura van der Pol thuộc đại học bang Colorado nhận định lúa lâu năm góp phần sản xuất lượng thực bền vững hơn đồng thời làm giảm xói mòn đất, giảm cỏ dại, thúc đẩy sự đa dạng sinh học của đất và tích tụ các chất hữu cơ trong đất.
Tuy nhiên bà cũng lưu ý lúa lâu năm tạo điều kiện cho sâu bệnh hại hoặc mầm bệnh tích tụ theo thời gian. Vì vậy vẫn cần thực hiện luân canh và xen canh.
Tháng 4 vừa qua, BGI ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với đại học Vân Nam, thành lập liên doanh quảng bá và công nghiệp hóa giống lúa mới.
BGI cho biết tính đến nay lúa lâu năm đã được trồng tại 117 địa điểm (tổng diện tích hơn 400 hecta) ở miền nam Trung Quốc. Giống lúa này cũng đã được quảng bá tới 17 quốc gia châu Á và châu Phi trong đó có Uganda, Ethiopia, Lào, Myanmar, Bangladesh.