Đề nghị xử nghiêm cán bộ cấp cao sai phạm trong các vụ án Việt Á, chuyến bay 'giải cứu'...
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 14:40, 20/10/2022
Báo cáo của Chính phủ nhận định việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đạt kết quả tích cực. Các khoản thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế đã thu được gần 16.000 tỉ đồng.
Cũng đề cập đến vấn đề phòng chống tham nhũng, báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết cử tri và nhân dân bày tỏ tin tưởng vào quyết tâm của Đảng và Nhà nước đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã rất sâu sát, quyết liệt, chỉ đạo toàn diện công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Cử tri và nhân dân đánh giá cao công tác hoàn thiện thể chế phòng chống tham nhũng, tiêu cực; ủng hộ, đánh giá rất cao việc kiên quyết xử lý theo kỷ luật Đảng và kỷ luật Nhà nước đối với các tập thể, cá nhân vi phạm trong thời gian gần đây, đặc biệt là đối với những người giữ cương vị cao trong bộ máy Đảng và Nhà nước ở cả Trung ương và địa phương.
Cụ thể, tiếp tục chỉ đạo rất quyết liệt việc điều tra, truy tố, xét xử công khai các vụ án tham nhũng lớn, cả trong khu vực nhà nước và khu vực tư nhân; xử lý nghiêm khắc cán bộ sai phạm, kể cả cán bộ cấp cao trong các vụ án nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á; vụ án “đưa và nhận hối lộ” khi tổ chức các chuyến bay đưa người Việt Nam ở nước ngoài về nước trong đại dịch COVID-19; vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu trái pháp luật” ở một số tập đoàn; vụ việc trong công tác quản lý, nghiên cứu khoa học, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và một số cơ sở đào tạo khác…
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân cũng bày tỏ sự quan tâm, lo lắng về công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tham nhũng, tiêu cực có mặt còn hạn chế, nhất là giáo dục liêm chính, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng chưa được quan tâm đúng mức.
Đồng thời, cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực; một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực còn hình thức, hiệu quả chưa cao; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ nét; công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu yếu.
Thêm vào đó, công tác giám định, định giá tài sản vẫn còn khó khăn; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn thấp; hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và nhân dân trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực chưa cao.
Theo Báo cáo về phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật của Chính phủ, từ ngày 1.10.2021 đến ngày 31.7.2022, cơ quan chức năng đã phát hiện 4.354 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, giảm 36,61%; song tỷ lệ phạm tội về tham nhũng và chức vụ tăng 33,33% (với 396 vụ) so với cùng kỳ năm trước.
Cử tri và nhân dân mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục triển khai quyết liệt công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực cùng với việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, pháp luật; đồng thời tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ngoài ra, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần tiếp tục tiến hành đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở, cán bộ, đảng viên thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm nêu gương.
“Cần có giải pháp phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, vai trò của các cơ quan dân cử và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, của các cơ quan truyền thông, báo chí và nhân dân trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực”, báo cáo nêu.
Cử tri đề nghị Nhà nước tiếp tục và sớm hoàn thành việc điều tra để đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng, làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các ngành, các cấp và người đứng đầu trong các dự án lớn bị thua lỗ, gây thất thoát tài sản của Nhà nước và thông tin công khai kết quả xét xử cho người dân biết, theo dõi, giám sát.
Cử tri và nhân dân mong muốn các cấp, các ngành kịp thời hơn trong việc xem xét, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, tiêu cực đối với tình trạng đang xảy ra ở nhiều nơi khi người dân đã nộp tiền mua đất, mua nhà ở nhưng chưa được giao đất, chưa được cấp giấy chứng nhận nhận quyền sử dụng đất, chưa được xây nhà ở để ổn định cuộc sống, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống của nhân dân.
Song song với đó, xử lý tình trạng dự án đã được giao đất nhưng không triển khai hoặc chậm triển khai tồn tại nhiều năm, gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, lãng phí tài nguyên đất, các tài nguyên, khoáng sản khác... Đồng thời mong muốn Đảng và Nhà nước có giải pháp phòng chống, ngăn chặn từ sớm, từ xa để kiểm soát tình trạng gia tăng tỷ lệ tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu...