Nhật Bản chạy đua vũ trang đề phòng nguy cơ xảy ra xung đột ở Đông Á

Chuyển động - Ngày đăng : 15:40, 20/10/2022

Chính quyền Nhật Bản quyết tâm tăng cường vũ trang nhằm đề phòng nguy cơ xảy ra xung đột ở Đông Á từ năm 2027.
a-japan-ground-self-defense-force-soldier-trains-e.jpg
Quân nhân Cục Phòng vệ Nhật Bản tham gia tập trận - Ảnh: Star & Stripe

Theo các nhà phân tích và quan chức chính phủ Nhật Bản, sự lo ngại của nước này càng tăng từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Điều này cũng khiến dư luận Nhật giảm phản đối kế hoạch tái vũ trang cho quân đội nước này.

Trong một cuộc thăm dò của NHK hồi tháng 10, 55% trong 1.247 người được hỏi đã ủng hộ chính phủ Nhật Bản tăng chi quốc phòng, so với 29% phản đối. 61% ủng hộ quân đội Nhật cần mạnh hơn và nói chính phủ nên giảm chi tiêu công để dồn tiền ngân sách cho chi quốc phòng.

Giáo sư Takashi Kawakami ở Đại học Takushoku (Tokyo) nói chính phủ Nhật đã được người dân ủng hộ nên sẽ làm tất cả những gì có thể cho mục tiêu tái vũ trang.

Ông nói với Reuters: “Bằng cách chỉ ra năm 2027 là thời điểm cán cân quyền lực ở Đông Á có thể nghiêng về Trung Quốc, chính phủ Nhật có thể tập hợp được sự ủng hộ lớn của người dân cho việc tăng ngân sách quốc phòng”.

Cuộc chạy đua vũ trang của Tokyo

Hồi tháng 7, Thủ tướng Kishida Fumio thắng lớn ở cuộc bầu cử Thượng viện Nhật, với lời hứa sẽ tăng dần khoản chi quốc phòng. Đảng cầm quyền Dân chủ Tự do của ông đã hứa tăng gấp đôi khoản chi này lên khoảng 10.000 tỉ yen (68 tỉ USD) trong 5 năm tới.

Khoản chi này sẽ mua tên lửa tầm xa Type 12 của Tập đoàn Công nghiệp Nặng Mitsubishi (MHI), tên lửa đa nhiệm Joint Strike Missile của Kongsberg (Na Uy) và tên lửa không đối đất Joint Air-to-Surface Stand-Off Missile (JASSM) từ Lockheed Martin (Mỹ).

Trong dự chi quốc phòng năm 2023, Bộ Quốc phòng Nhật đề nghị tăng mức chi quốc phòng 3,6% lên 5,6 ngàn tỉ yen (39,78 tỉ USD) và chờ được Quốc hội Nhật thông qua trong năm tài khóa mới kể từ ngày 1.4.2023.

Bộ này cũng nói số tiền có thể cao hơn sau khi tính toán chi phí các chương trình mua sắm vũ khí mới. Điều quan trọng nhất là Nhật phải tăng cường trữ đạn dược và phụ tùng, để quân đội vốn chưa được “thử lửa” có thể duy trì khả năng chiến đấu lâu dài.

Thủ tướng Kishida Fumio sẽ công bố chi tiết khoản chi quân sự vào tháng 12 tới, cùng với việc công bố một chiến lược an ninh quốc gia mới. Dự kiến tài liệu này sẽ cho phép Nhật giữ một vai trò an ninh lớn hơn trong khu vực, cùng với Mỹ vốn đã triển khai quân đội, máy bay và tàu chiến ở Nhật.

Các nhà phân tích nhận định, sự đề phòng Trung Quốc của Nhật sẽ không giảm xuống ngay cả khi Triều Tiên đang liên tục phóng thử tên lửa và có thể sẽ thử hạt nhân lần thứ bảy.

Một chỉ huy Cục Phòng vệ Nhật Bản giấu tên vì vấn đề nhạy cảm, nói rằng Nhật muốn Hàn Quốc đi đầu trong việc đối phó với Triều Tiên.

“Tôi không nghĩ các hành động của Triều Tiên sẽ dẫn đến những thay đổi đáng kể trong việc Nhật đề phòng Trung Quốc. Các hành động mới nhất của Triều Tiên thậm chí có thể giúp củng cố việc dư luận ủng hộ sự đề phòng này”, theo nhận định của Bonji Ohara, nhà nghiên cứu cấp cao ở Hội Hòa bình Sasakawa, và từng là tùy viên quân sự thuộc Sứ quán Nhật ở Trung Quốc.

Trong Sách trắng Quốc phòng 2019, Nhật đã xác định Trung Quốc là đối thủ chính, lo ngại mối đe dọa an ninh nghiêm trọng từ việc Bắc Kinh gây sức ép lên đảo Đài Loan và nhanh chóng hiện đại hóa Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Tại cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ hồi năm 2021, tư lệnh quân Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (INDOPACOM) là Đô đốc Philip Davidson nói mối đe dọa từ Trung Quốc “có thể trở nên rõ nét” trong năm 2027.

Vì Nhật có mối quan hệ ngoại giao và kinh tế với Trung Quốc, Tokyo không thể trực tiếp cam kết bảo vệ Đài Loan. Nhưng vì lãnh thổ Nhật chỉ cách Đài Loan 150km ở điểm gần nhất, Nhật có thể bị lôi vào một cuộc xung đột với một thế lực có khoản chi quân sự cao hơn gấp 4 lần so với quân đội Nhật.

Khi soạn kế hoạch phòng thủ, Nhật cần xem xét kịch bản Mỹ không phản ứng trước khả năng Trung Quốc gây sức ép lên đảo Đài Loan, theo giáo sư Yasuhiro Matsuda thuộc khoa chính trị ở Đại học Tokyo, người cũng từng là một nhà nghiên cứu cấp cao của Bộ Quốc phòng Nhật.

Ông nói: “Nếu Nhật có thể củng cố khả năng phòng thủ... thì bài tính tấn công quân Mỹ ở Nhật của Trung Quốc sẽ rất khác, chi phí và rủi ro của một chiến dịch ở Đài Loan sẽ rất cao”.

Ngược lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Nhật luôn mượn cớ Trung Quốc để xây dựng quân đội. Trong văn bản trả lời Reuters ngày 19.10, Bộ này viết: “Các thế lực chính trị ở Nhật đã liên tục dùng Trung Quốc làm cớ để cố tình thổi phồng những căng thẳng khu vực. Khi làm việc này, phía Nhật chỉ tìm các cơ để củng cố quân đội và phát triển quân sự”.

Bảo Vĩnh