Cần nhiều chính sách hỗ trợ để giáo dục mầm non phát triển
Giáo dục - Ngày đăng : 17:48, 20/10/2022
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, tính đến hết năm học 2021-2022, toàn quốc có 15.401 trường mầm non (bao gồm: nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non). Hiện có 31 tỉnh, thành phố có văn bản quy định chính sách hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, sửa chữa cơ sở vật chất đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục có trẻ là con công nhân. Có 858 cơ sở giáo dục mầm non đủ điều kiện nhận hỗ trợ, với kinh phí dự kiến hỗ trợ trên 20 tỉ đồng, trong đó đã thực hiện hỗ trợ được hơn 2,2 tỉ đồng. Về chính sách đối với trẻ em mầm non đã có 995.821 lượt trẻ mẫu giáo được hỗ trợ ăn trưa với kinh phí trên 1,170 tỉ đồng.
Hiện đã có 28.837 giáo viên được hưởng chính sách đối với giáo viêm mầm non dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số, với kinh phí đã thực hiện gần 561 tỉ đồng. Các địa phương đã tập trung chỉ đạo công tác quy hoạch, mở rộng diện tích đất cho giáo dục, thực hiện tốt việc lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Triển khai thực hiện có hiệu quả đề án “Đảm bảo cơ sở vật chất thực hiện chương trình giáo dục mầm non, phổ thông giai đoạn 2018-2025”. Đến hết năm học 2021-2022, toàn quốc có 15.401 trường mầm non, 15.385 cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Tổng số cơ sở giáo dục mầm non trên toàn quốc là 30.786.
Theo tổng hợp số liệu báo cáo từ 40 tỉnh đã ban hành chính sách, có khoảng hơn 86.000 trẻ em thuộc đối tượng nhận hỗ trợ. Số tiền mà các địa phương đã chi trả khoảng 600 tỉ đồng. Trong điều kiện các sơ sở giáo dục mầm non công lập không đáp ứng đủ nhu cầu gửi trẻ của công nhân, kinh phí hỗ trợ giúp cha mẹ trẻ là công nhân có thêm phần chi phí để lựa chọn gửi trẻ ở những cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập bảo đảm chất lượng cũng như các điều kiện về an toàn đối với trẻ.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu các tỉnh còn chia sẻ kinh nghiệm trong tham mưu ban hành chính sách địa phương; chính sách đối với giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp, đông lao động. Các công tác đầu tư, quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non, phối hợp liên ngành trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non cũng đã được triển khai.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh đề nghị ngành GD-ĐT tiếp tục tham mưu để địa phương tiếp tục triển khai Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non, đồng thời quy định rõ trách nhiệm của địa phương. Bên cạnh đó cần quan tâm giáo dục mầm non vùng khó khăn, tạo sự công bằng trong giáo dục mầm non, kể cả ngoài công lập. Các địa phương cần chú ý dịch vụ chăm sóc, giáo dục mầm non và trong quy hoạch mạng lưới trường lớp cần quan tâm mô hình nhà trẻ di động. Tiếp tục xây dựng kế hoạch đào tạo, thu hút, giữ chân giáo viên mầm non…
Hiện nay, ngành giáo dục mầm non đang thực hiện đề án “Đảm bảo cơ sở vật chất thực hiện chương trình giáo dục mầm non, phổ thông giai đoạn 2018-2025”. Nhiều địa phương áp dụng chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục để thúc đẩy phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập.
PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non cho biết: Qua 2 năm Nghị định 105/2020/NĐ-CP với các chính sách phát triển giáo dục mầm non đã đem lại kết quả hết sức tích cực. Cơ sở vật chất trường lớp được tăng cường, các cơ sở giáo dục mầm non được hỗ trợ để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ, các giáo viên mầm non ngoài công lập ở các địa bàn có khu công nghiệp được hỗ trợ. Nghị định thể hiện tính nhân văn hơn nữa khi chính sách ban hành đã trợ giúp cho nhiều cơ sở giáo dục mầm non và giáo viên vượt qua những khó khăn của đại dịch COVID-19.
Ngành giáo dục mầm non hiện nay cũng đã nhận được sự quan tâm của Nhà nước, của các cơ quan đoàn thể, các giáo viên ở các tỉnh miền núi cũng tự gia tăng sản xuất để hỗ trợ chất lượng ăn bán trú cho trẻ ngay tại trường. Chính sách này đã tác động sâu sắc đối với việc phát triển giáo dục mầm non nói chung cũng như trẻ em vùng khó khăn, vùng núi cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non trên cả nước.