Hà Nội: Trên 85% kết quả nghiên cứu KH-CN được ứng dụng vào thực tiễn
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 12:36, 15/07/2020
Từ năm 2016 đến nay đã triển khai 346 nhiệm vụ KH-CN cấp Thành phố (trong đó có 212 nhiệm vụ KHTN và công nghệ, 84 nhiệm vụ KHXH-NV, 50 dự án sản xuất thử nghiệm) với tổng kinh phí là 633.092 triệu đồng. 100% dự án sản xuất thử nghiệm và trên 85% kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu được ứng dụng vào thực tiễn. Kết quả của các nhiệm vụ KH-CN đã được áp dụng với các mức độ và quy mô khác nhau, đem lại hiệu quả tốt trên các lĩnh vực cụ thể.
Đối với lĩnh vực Công nghiệp, Tự động hóa - Điện - Điện tử viễn thông, các sản phẩm nghiên cứu xuất phát từ nhu cầu thực tế, hướng tới việc hoàn thiện các sản phẩm chính của doanh nghiệp, phát triển các sản phẩm mới có khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường. Nghiên cứu, chế tạo ra một số dây chuyền công nghệ thiết bị đồng bộ, hiện đại phục vụ phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và sản xuất hàng tiêu dùng, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu trong nước, thay thế nhập khẩu.
Điển hình như Tổng Công ty thiết bị điện Đông Anh - CTCP đã làm chủ hoàn toàn về thiết kế và công nghệ chế tạo các loại máy biến áp 500 kV công suất đến 600 MVA, nâng tỷ lệ nội địa hóa 95%, giúp giảm giá thành sản phẩm tại Việt Nam từ 20-30%. Viện Nghiên cứu cơ khí đã làm chủ thiết kế, công nghệ chế tạo các thiết bị cơ khí thủy công, cung cấp các thiết bị cơ khí thủy công cho khoảng 20 dự án thủy điện bao gồm cả Thủy điện Sơn La và Lai Châu với tỷ lệ nội địa hóa trên 90%, giảm giá thành ít nhất 30% so nhập khẩu đồng bộ từ nước ngoài…
Trong lĩnh vực Phát triển nông nghiệp, hoạt động KH-CN tiếp tục gắn với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, thủy lợi đã đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp giải quyết các vấn đề bức thiết của thực tiễn sản xuất, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao và an toàn thực phẩm…
Mô hình lúa chất lượng cao ở Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên… là một ví dụ điển hình khi đã cho thu nhập tăng thêm so với canh tác lúa truyền thống khoảng 25 - 30%; vùng sản xuất rau an toàn ở Đông Anh, Phúc Thọ, Gia Lâm… cho giá trị sản xuất từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm…
Ngoài ra, trong giai đoạn bệnh Dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại Hà Nội nói riêng và ở Việt Nam nói chung, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã là một trong các đơn vị tiên phòng, đi đầu nuôi cấy, phân lập thành công vi rút gây bệnh Dịch tả lợn châu Phi ngay từ khi dịch xâm nhập vào Việt Nam, là tiền đề để tiếp tục triển khai các nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng bệnh và sản xuất sinh phẩm chẩn đoán bệnh Dịch tả lợn châu Phi.
Lĩnh vực Y tế - Bảo hộ lao động - Vệ sinh an toàn thực phẩm, việc nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ cao trong y học hiện đại thay thế nhập ngoại nhằm nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Kết hợp nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật y học truyền thống và y học hiện đại trong chẩn đoán và điều trị. Đề xuất các giải pháp tăng cường chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Đặc biệt, thời gian qua, việc nghiên cứu chế tạo thành công 4 bộ KIT phát hiện SARS-CoV-2 góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam và thế giới. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã nuôi cấy và phân lập thành công vi rút corona mới (SARS-CoV-2) có ý nghĩa quan trọng.
Ngoài ra, trong lĩnh vực Y tế, lần đầu tiên Việt Nam thực hiện thành công ghép phổi từ người cho sống tại Việt Nam (Học viện Quân y, năm 2017); ghép phổi từ người cho chết não tại Việt Nam (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, năm2018); phẫu thuật can thiệp bào thai điều trị Hội chứng truyền máu song thai tại Việt Nam (Bệnh viện phụ sản Hà Nội, năm 2019). Lần đầu tiên trên thế giới phương pháp phẫu thuật nội soi tuyến giáp một lỗ ứng dụng thành công tại Việt Nam (Bệnh viện Nội tiết Trung ương, năm 2018)…
Thu Anh