Gần 1.000 cuộc tấn công mạng trong tháng 9

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:14, 21/10/2022

Theo báo cáo từ Bộ TT-TT, trong tháng 9.2022, số lượng cuộc tấn công mạng là 988 cuộc (tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2021).

Triển khai chiến dịch làm sạch mã độc trên mạng

Liên quan đến lĩnh vực an toàn thông tin mạng, Bộ TT-TT cho biết trong tháng 9.2022, số doanh nghiệp lĩnh vực này là 124 (tăng 18,1% so cùng kỳ năm 2021). Số lao động an toàn thông tin là 3.367 lao động (tăng 9,14% so với cùng kỳ năm 2021).

Số địa chỉ IP nằm trong mạng botnet là 530.870 địa chỉ (giảm 53,3% so cùng kỳ năm 2021). Số lượng cuộc tấn công mạng lên tới 988 cuộc (tăng 19,9% so cùng kỳ năm 2021).

Ngoài ra, tổng số chứng thư số công cộng đã cấp tính đến hết tháng 9 là 5.196.987 chứng thư số, tăng 16,24% so với cùng kỳ năm 2021 (4.407.809 chứng thư số). Tổng số chứng thư số công cộng đang hoạt động tháng 9 là 1.871.896 chứng thư số, tăng 17,67% so với cùng kỳ năm 2021 (1.591.311 chứng thư số).

Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới được Bộ TT-TT nêu rõ là triển khai chiến dịch làm sạch mã độc trên không gian mạng năm 2022 với mục đích vì cộng đồng, được triển khai trên diện rộng, hướng tới toàn thể các cơ quan, tổ chức và người dân trên cả nước.

Cung cấp các công cụ miễn phí để kiểm tra, xử lý và bóc gỡ mã độc nhằm đảm bảo an toàn cho người dùng; chung tay xây dựng không gian mạng Việt Nam an toàn và lành mạnh, góp phần chuyển đổi số quốc gia nhanh, bền vững.

hon-900-cuoc-tan-cong-mang-trong-thang-9.2022.jpg
Số lượng cuộc tấn công mạng trong tháng 9.2022 tăng 19,9% so cùng kỳ năm 2021 - Ảnh: Internet

Đáng chú ý, trong báo cáo của Bộ TT-TT còn dẫn chứng những kinh nghiệm của Hàn Quốc liên quan đến chứng thực chữ ký số. Cụ thể, Luật Chữ ký số sửa đổi sửa đổi tháng 12.2020 của Hàn Quốc cho phép các doanh nghiệp tư nhân có thể tham gia vào hệ thống chứng thực chữ ký số, thúc đẩy các dịch vụ chữ ký điện tử mới tiện lợi và đáng tin cậy. Thay đổi này cũng làm kích thích khả năng cạnh tranh cao hơn trên thị trường chữ ký điện tử ở Hàn Quốc.

Hiện tại Hàn Quốc đã có 17 đơn vị đủ tiêu chuẩn cung cấp chữ ký số, trong số đó có 5 đơn vị (KICA, KOSCOM, KFTC, Crossert, KTNET) sử dụng phương thức xác định người dùng bằng cách nhận dạng trực tiếp với thẻ căn cước công dân…

Phát triển, sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số

Đối với lĩnh vực kinh tế số, Bộ TT-TT cho biết hiện có 45 nền tảng số "Make in Viet Nam" của 27 doanh nghiệp được lựa chọn tham gia. Các nền tảng được tập hợp, đánh giá trước khi giới thiệu để cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa dùng thử, vận dụng vào những nghiệp vụ cụ thể.

Tính đến ngày 30.9.2022, Chương trình SMEdx đã có  490.923 doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận và trải nghiệm các nền tảng số "Make in Viet Nam" xuất sắc do chương trình tuyển chọn; có 62.047 doanh nghiệp chính thức sử dụng các nền tảng của chương trình.

Theo Bộ TT-TT, nhiệm vụ trọng tâm quý 4/2022 là tiếp tục thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn theo thẩm quyền và theo kế hoạch hằng năm; đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số theo chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số gắn liền với bảo đảm an toàn thông tin mạng…

Ngoài ra, Bộ TT-TT còn đặt nhiệm vụ trọng tâm hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp tại địa phương đăng ký tài khoản trên Cổng thông tin chỉ số chuyển đổi số doanh nghiệp (Digital Business Indicators) tại địa chỉ dbi.gov.vn để đánh giá, xác định mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp, từ đó có giải pháp sử dụng các nền tảng số phù hợp để chuyển đổi số nhanh và hiệu quả. Tiếp tục triển khai đo lường hoạt động của người dân trên các nền tảng số...

Thu Anh