Bộ KH-CN phê duyệt 2 danh mục nhiệm vụ theo Nghị định thư đặt hàng

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 15:11, 04/07/2020

Bộ trưởng Bộ KH-CN vừa phê duyệt danh mục nhiệm vụ KH-CN theo Nghị định thư đặt hàng để tuyển chọn bắt đầu thực hiện trong kế hoạch năm 2020. Thời hạn cuối cùng nhận hồ sơ đăng ký tuyển chọn ngày 3.9.2020.
Hình ảnh cây luồng tại Thanh Hóa - Ảnh: Internet

Theo thông tin từ Bộ KH-CN, trên cơ sở kết quả cuộc họp Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ KH-CN theo Nghị định thư hợp tác với Cộng hòa Liên ban Đức; xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ trưởng Vụ KH-CN và các ngành kinh tế - kỹ thuật và Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ trưởng Bộ KH-CN đã quyết định phê duyệt 2 danh mục nhiệm vụ KH-CN theo Nghị định thư đặt hàng để tuyển chọn.

Theo đó, cả 2 nhiệm vụ KH-CN được phê duyệt đều thuộc lĩnh vực Nông nghiệp. Cụ thể, với nhiệm vụ 1: “Nghiên cứu tối ưu hóa hệ thống sản xuất và chuỗi giá trị luồng tại Việt Nam”, Bộ KH-CN đặt mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững luồng Thanh Hóa (tại Thanh Hóa và các vùng phụ cận).

Trên cơ sở định hướng mục tiêu, Bộ yêu cầu nhiệm vụ phải đạt ít nhất 1 giống luồng có năng suất cao và phù hợp với điều kiện lập địa khu vực Thanh Hóa và các vùng phụ cận; 3 sản phẩm mới được tạo ra bằng công nghệ in 3D từ vật liệu luồng; 40m2 ván sàn luồng chất lượng cao đáp ứng tiêu chuẩn Đức…

Ngoài ra, nhiệm vụ còn phải đạt được 10 ha phục tráng rừng luồng thoái hóa tại Thanh Hóa; 10 ha mô hình trồng luồng thâm canh năng suất cao tại khu vực nghiên cứu; 1 mô hình liên kết sản xuất giữa trồng - chế biến - kinh doanh sản phẩm luồng theo hướng bền vững…

Với nhiệm vụ thứ 2: “Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp KH-CN và thị trường cho sản xuất lúa gạo hữu cơ ở Đồng bằng sông Cửu Long”, Bộ KH-CN đã đưa ra định hướng mục tiêu cụ thể, bao gồm đề xuất được các giải pháp KH-CN tiên tiến và thị trường cho sản xuất lúa gạo hữu cơ; xây dựng được mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo hữu cơ đạt hiệu quả kinh tế cao và bền vững môi trường ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Trên cơ sở đó, Bộ KH-CN yêu cầu kết quả đạt được ít nhất 3 mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo được chứng nhận đạt chuẩn hưu cơ theo Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) 1104-5:2008, quy mô 30 ha/mô hình, hiệu quả kinh tế tăng tối thiểu 20% so với sản xuất đại trà.

Bên cạnh đó, nhiệm vụ cần báo cáo đánh giá về hiện trạng sử dụng đất, dinh dưỡng đất, lưu tồn dư lượng phân bón…; báo cáo tiếp nhận và áp dụng công nghệ tiên tiến của Cộng hòa Liên bang Đức trong sản xuất lúa gạo hữu cơ tại Đồng bằng sông Cửu Long; hỗ trợ đào tạo ít nhất 1 nghiên cứu sinh và đào tạo được ít nhất 1 Thạc sĩ…

Thu Anh