Israel suy tính gì khi không viện trợ khí tài phòng không cho Ukraine?

Quốc tế - Ngày đăng : 08:14, 23/10/2022

Không lâu sau khi có thông tin Nga dùng máy bay không người lái Shahed-136 của Iran tấn công Kyiv, Ngoại trưởng Ukraine Dimytro Kuleba tuyên bố sẽ đề nghị Israel viện trợ khí tài phòng không. Đây không phải lần đầu tiên Ukraine đưa ra đề nghị.

Cho đến nay Israel vẫn chưa viện trợ vũ khí mà chỉ cung cấp trang bị như nón, áo bảo hộ cùng viện trợ nhân đạon cho Ukraine. Nhưng diễn biến mới nhất (Nga dùng máy bay không người lái Iran) một lần nữa đẩy Israel rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, làm dấy lên tranh luận liệu nước này có nên tiếp tục duy trì chính sách cân bằng quan hệ với Ukraine và với Nga hay không.

Thủ tướng Yair Lapid trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Kuleba ngày 20.10 khẳng định Israel đứng về phía Ukraine, nhưng ông lại chẳng đề cập gì đến đề nghị viện trợ khí tài phòng không.

Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz một ngày trước đó tuyên bố: “Israel sát cánh với Ukraine, NATO, phương Tây - đây là điều chúng tôi từng nói trong quá khứ và nay nhắc lại. Israel có chính sách hỗ trợ Ukraine thông qua viện trợ nhân đạo và cung cấp thiết bị phòng thủ cứu sinh”.

Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn từ chối đề nghị viện trợ các hệ thống vũ khí “vì một số cân nhắc”, thay vào đó Israel sẽ hỗ trợ phát triển một hệ thống cảnh báo sớm.

Chính sách hiện tại nhận phải không ít chỉ trích. Nhà báo Israel Nadav Eyal nhận xét: “Israel đang lâm vào tình huống xấu với cả hai phía. Ukraine tức giận vì không được giúp đỡ, Nga thì được Iran giúp và giúp ngược lại Iran”.

Cựu quan chức đứng đầu Cơ quan Tình báo quốc phòng Israel Amos Yadlin cho rằng nước mình nên hỗ trợ Ukraine tích cực hơn: “Iran là kẻ thù chính của chúng ta. Khi Iran đứng về phe nào đó thì chúng ta nên đứng về phía bên kia”.

israel.jpg
Hệ thống phòng không Iron Dome của Israel - Ảnh: DW

Israel suy tính gì?

Chính sách Israel triển khai được dẫn dắt bởi những suy tính chính trị và ngoại giao riêng. Cộng đồng Do Thái tại Nga dường như là mối quan tâm chính. Những năm 1990 khi Liên Xô sụp đổ, Israel đón hơn 1 triệu người Do Thái di cư từ Nga. Năm nay đã có hơn 20.000 người sang Israel.

Gần đây nổi lên nguy cơ văn phòng Cơ quan Do Thái (AJ) tại Nga buộc phải đóng cửa khiến sức ép với cộng đồng Do Thái Nga trở nên rõ ràng hơn. AJ là tổ chức phi lợi nhuận giúp đỡ những Do Thái di cư đến Israel. Để tránh nguy cơ trên xảy ra, Israel phải duy trì quan hệ tốt đẹp với Nga.

Suy tính an ninh cũng được xem xét đến. Nga hỗ trợ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad nên kiểm soát phần lớn không phận Syria. Israel thường xuyên không kích các mục tiêu Iran và vũ khí Iran cung cấp cho nhóm Hezbollah (được Tehran hậu thuẫn). Giữ liên lạc quân sự chặt chẽ - đặc biệt là cơ chế báo trước cho Nga trước lúc tiến hành không kích - cho phép Israel tự do hành động.

Ukraine nhiều lần đề nghị Israel viện trợ các hệ thống phòng không Iron Dome, David Sling, Barak 3. Tuy nhiên giới phân tích cho biết Israel không dư dả Iron Dome vì hàng loạt mối đe dọa an ninh mà nước này phải đối mặt ở khu vực.

Cẩm Bình