Các trường học Anh sắp hết tiền
Chuyển động - Ngày đăng : 08:41, 24/10/2022
Một khảo sát từ Hiệp hội Hiệu trưởng quốc gia Anh (NAHT) cho kết quả 50% hiệu trưởng cho biết trường của họ trong năm nay sẽ thâm hụt tài chính, hầu hết đều bi quan trường sẽ rơi vào cảnh nợ nần trong năm tới khi nguồn tài chính dự phòng cạn kiệt.
Tân Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt dự tính yêu cầu mọi đơn vị, kể cả đơn vị giáo dục, tiến hành cắt giảm chi tiêu như một phần của kế hoạch giảm nợ của chính phủ. Hiệu trưởng lẫn lãnh đạo các trường cảnh báo cắt giảm mạnh hơn nữa có thể đẩy nhiều trường học và học viện đến sát bờ vực sụp đổ.
Theo Tổng thư ký NAHT Paul Whiteman: “Hiện không còn biện pháp giải quyết nhanh chóng. Chi tiêu trường học đã bị cắt giảm rất nghiêm trọng rồi. Cắt giảm thêm nữa có nghĩa phải giảm số giờ giảng dạy, trợ giảng lẫn giáo viên”.
Rev Steve Chalke - người sáng lập quỹ Oasis điều hành 52 đơn vị giáo dục tại Anh, cho biết chi phí điện cùng khí đốt mà các trường học trực thuộc tiêu tốn đã tăng vọt từ 26.000 bảng/năm lên 89.000 bảng/năm, ngay cả khi có giá trần năng lượng duy trì trong 6 tháng.
“Với tốc độ này thì trong vòng 3 năm tới chúng tôi sẽ phá sản”, ông Chalke lo ngại.
Oasis gần đây còn phải tìm cách có thêm 4,5 triệu bảng để tăng lương cho giáo viên, mức tăng 5% cho hầu hết giáo viên vẫn thấp hơn đáng kể so với lạm phát. Ông Chalke thấy thất vọng khi chính phủ định yêu cầu cắt giảm thêm.
Bộ Giáo dục Anh lên tiếng chia sẻ áp lực chi phí mà các trường học phải đối mặt vì giá năng lượng tăng vọt. Cơ quan này đảm bảo bên cạnh chương trình trợ cấp năng lượng, các trường sẽ nhận được 53,8 tỉ bảng tiền hỗ trợ.
Quỹ Education Alliance điều hành 7 đơn vị giáo dục đang dùng nguồn tài chính dự phòng chi trả lương, năng lượng cùng nhiều khoản khác. Giám đốc quỹ Jonny Uttley cho biết sẽ đến lúc Education Alliance cạn tiền.
Garry Ratcliffe - giám đốc quỹ Galaxy Trust điều hành 3 đơn vị giáo dục, cho biết quỹ của mình năm nay vẫn ổn, tuy nhiên năm sau có thể rất khó khăn nếu nảy sinh chuyện ngoài kế hoạch.
Theo người đứng đầu Liên hiệp Các quỹ trường học Anh (CSTUK) Leora Cruddas: “Nhiều quỹ đang phải sử dụng một phần hoặc toàn bộ nguồn tài chính dự phòng. Nhưng nguồn dự phòng chỉ dùng được một lần. Chính phủ phải can thiệp vì đây là vấn đề cấp bách”.
Chuyên gia Julia Harnden thuộc Hiệp hội Các nhà lãnh đạo trường học Anh (ASCL) hối thúc chính phủ nhanh chóng hành động để tránh xảy ra thảm họa giáo dục: “Chi phí tăng thêm đòi hỏi cắt giảm nhân sự, dẫn đến sĩ số lớp tăng, lựa chọn chương trình giảng dạy giảm, học sinh sinh viên nhận được ít hỗ trợ hơn”.