Lý do Tesla giảm giá ô tô điện Model 3, Model Y ở Trung Quốc

Thế giới số - Ngày đăng : 09:10, 24/10/2022

Tesla đã giảm giá khởi điểm cho những chiếc ô tô điện Model 3 và Model Y của mình tới 9% tại Trung Quốc, theo trang web công ty hôm 24.10.

Giá khởi điểm cho mẫu sedan Model 3 đã giảm xuống còn 265.900 nhân dân tệ (36.727 USD) từ 279.900 nhân dân tệ. Trong khi giá mẫu xe thể thao đa dụng Model Y giảm xuống còn 288.900 nhân dân tệ từ 316.900 nhân dân tệ.

Giá sản phẩm được niêm yết trên trang web ở Trung Quốc của Tesla cho thấy điều này.

Tesla đã và đang điều chỉnh giá phù hợp với chi phí, công ty tiết lộ với hãng tin Reuters trong một tuyên bố. Việc gia tăng công suất tại Gigafactory Thượng Hải đã được cải thiện, trong khi chuỗi cung ứng vẫn ổn định, dẫn đến chi phí thấp hơn, Tesla cho biết.

Đây là lần giảm giá đầu tiên của Tesla tại Trung Quốc vào 2022 sau khi hãng này tăng giá hai mẫu ô tô điện hồi đầu năm do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng. Động thái này diễn ra sau khi Tesla cung cấp các ưu đãi bảo hiểm cho người mua bắt đầu từ tháng 9 để kích thích mua ô tô điện nhiều hơn.

Tesla đã nâng cấp nhà máy ở Thượng Hải để có thể sản xuất tổng cộng 22.000 chiếc Model 3 và Model Y mỗi tuần, Reuters đưa tin trước đó.

vi-sao-tesla-giam-gia-o-to-dien-model-3-model-y-o-trung-quoc.jpg
Du khách đeo khẩu trang kiểm tra ô tô điện Model Y tại phòng trưng bày của Tesla ở Bắc Kinh, thủ đô Trung Quốc  - Ảnh: Reuters

Đầu tháng 10, Tesla công bố lượng giao ô tô điện kỳ lục nhưng vẫn thấp hơn dự kiến trong quý 3/2022 ​​vì những thách thức về hậu cần.

Tesla, nhà sản xuất ô tô điện hàng đầu thế giới, cho biết "ngày càng có nhiều thách thức để đảm bảo năng lực vận chuyển của phương tiện với chi phí hợp lý". Song, một số nhà phân tích cũng lo ngại về nhu cầu với các mặt hàng rất đắt do nền kinh tế toàn cầu suy yếu.

Nhà phân tích Dan Ives của hãng Wedbush Securities nói với Reuters: "Nền kinh tế xung quanh vẫn đang có tác động tiêu cực đến Tesla, chủ yếu là về mặt hậu cần. Thế nhưng, tôi nghĩ rằng có một số vấn đề rắc rối trong đó. Có một đám mây đen bao phủ lĩnh vực ô tô và Tesla không miễn nhiễm".

Tháng trước, Ford Motor cho biết chi phí liên quan đến lạm phát sẽ cao hơn 1 tỉ USD so với dự kiến ​​trong quý 3/2022 và tình trạng thiếu phụ tùng khiến việc giao hàng bị trì hoãn.

Apple đang từ bỏ kế hoạch tăng sản lượng dòng iPhone 14 trong năm nay sau khi dự báo nhu cầu tăng vọt không thành hiện thực, tờ Bloomberg đưa tin vào tháng trước, trích dẫn lời những người quen thuộc với vấn đề này.

Nhà phân tích thị trường cấp cao Ed Moya của hãng OANDA cho biết: “Tôi nghĩ rằng các hãng ô tô điện có lẽ sẽ trải qua giai đoạn khó khăn, chỉ vì nhiều người có thể sẽ hơi do dự và bớt gấp gáp hơn khi mua một cái mới”.

"Làn sóng giao hàng điên rồ cuối quý"

Tesla đã giao 343.830 ô tô điện trong quý 3/2022, kỷ lục với nhà sản xuất ô tô giá trị nhất thế giới, nhưng ít hơn mức 359.162 mà nhà phân tích mong đợi, theo Refinitiv. Một năm trước đó, Tesla đã giao 241.300 chiếc.

Refinitiv là nhà cung cấp toàn cầu của Mỹ-Anh về cơ sở hạ tầng và dữ liệu thị trường tài chính. 

Các chuyến giao hàng gần nhất thấp hơn so với sản lượng 365.923 ô tô điện trong quý 3/2022 của Tesla. Đây là điều hiếm thấy với Tesla vì hãng từng chứng kiến ​​mức giao hàng cao hơn hoặc tương đương với sản lượng trong nhiều quý gần đây.

"Khi sản lượng của chúng tôi tiếp tục tăng, việc đảm bảo năng lực vận chuyển phương tiện và chi phí hợp lý về hậu cần trong những tuần cao điểm này ngày càng trở nên khó khăn", Tesla cho biết trong một tuyên bố hôm 2.10.

Giám đốc điều hành Tesla - Elon Musk tiếp lời: "Làm dịu làn sóng giao hàng điên rồ cuối quý để giảm chi phí xúc tiến bán hàng và giảm bớt căng thẳng cho đội Tesla”.

Năm ngoái, Elon Musk cho biết Tesla đang có "làn sóng điên cuồng" giao hàng vào cuối mỗi quý, vì nhà máy ở Thượng Hải (Trung Quốc) sản xuất ô tô điện xuất khẩu sang châu Âu và các nước khác trong nửa đầu quý, sau đó sẽ bán ở Trung Quốc.

Tesla một lần nữa yêu cầu nhân viên giúp giao "một lượng ô tô điện rất lớn cho những khách hàng đang háo hức chờ đợi trong những ngày cuối quý 3/2022" ở bang California (Mỹ), theo một email mà Reuters thấy.

Hôm 2.10, Tesla cho biết đã "bắt đầu chuyển sang chế độ sản xuất ô tô điện theo khu vực đồng đều hơn mỗi tuần, điều này dẫn đến sự gia tăng số lượng ô tô vận chuyển cuối quý."

Tesla đã đặt mục tiêu đầy tham vọng là sản xuất gần 495.000 chiếc Model Y và Model 3 trong quý 4.2022, theo kế hoạch nội bộ.

Tham vọng sản xuất của Tesla đi ngược lại bối cảnh triển vọng ngày càng ảm đạm với tăng trưởng toàn cầu, khi chính Elon Musk nói với các nhà quản lý hàng đầu vào tháng 6 rằng ông có "cảm giác cực kỳ tồi tệ" về nền kinh tế và lên kế hoạch cắt giảm nhân viên.

Trong một cuộc gọi hội nghị vào tháng 7, Elon Musk nói ban đầu rằng sự bất ổn kinh tế vĩ mô có thể tác động đến một số nhu cầu đối với ô tô điện của họ, nhưng khi một nhà phân tích ép cung cấp thông tin chi tiết, ông cho biết công ty không gặp vấn đề về nhu cầu mà là vấn đề sản xuất.

Tesla đã mở rộng năng lực sản xuất tại Thượng Hải sau khi dịch bùng phát buộc nhà máy phải tạm ngừng hoạt động và dẫn đến lượng giao hàng sụt giảm lần đầu tiên sau khoảng thời gian dài kỷ lục kéo dài gần 2 năm.

Vào tháng 9, tình trạng tồn đọng đơn đặt hàng của Tesla đã giảm, đặc biệt là ở Trung Quốc, theo Troy Teslike, một người theo dõi dữ liệu của Tesla.

Tesla cho biết đã giao 325.158 ô tô điện Model 3 nhỏ gọn và xe thể thao đa dụng Model Y, cũng như 18.672 xe cao cấp Model S, Model X cho khách hàng trong quý 3/2022.

Elon Musk lỡ hẹn với ô tô điện tự lái hoàn toàn

Hôm 19.10, Elon Musk cho biết phần mềm trợ lý lái xe tiên tiến của Tesla sẽ không nhận được sự phê duyệt của cơ quan quản lý vào năm 2022.

Tesla bán một phần mềm hỗ trợ trị giá 15.000 USD có tên Full Self-Driving (FSD) giúp các ô tô điện của họ chuyển làn và đỗ xe tự động. Điều đó bổ sung cho tính năng Autopilot tiêu chuẩn của Tesla, cho phép ô tô điện đánh lái, tăng tốc và phanh trong làn đường của chúng mà không cần sự can thiệp từ tài xế.

Tuy nhiên, những chiếc ô tô điện vẫn cần lưu thông dưới sự giám sát của con người. Một chiếc ô tô điện tự hành hoàn toàn sẽ yêu cầu sự chấp thuận của cơ quan quản lý.

Elon Musk cho biết tất cả người dùng FSD ở Bắc Mỹ sẽ nhận được phiên bản nâng cấp vào cuối năm nay. Ông nói thêm rằng mặc dù những chiếc ô tô điện của họ chưa sẵn sàng để không có ai ngồi sau tay lái, nhưng tài xế sẽ hiếm khi phải chạm vào vô lăng.

"Chiếc xe sẽ có thể đưa bạn từ nhà đến cơ quan, nhà bạn bè, cửa hàng tạp hóa mà bạn không cần chạm vào tay lái. Đó là một vấn đề riêng biệt về việc nó có được phê duyệt theo quy định không. Nó sẽ không có sự chấp thuận theo quy định vào thời điểm này", tỷ phú giàu nhất thế giới nói.

Elon Musk cũng cho biết Tesla hy vọng sẽ cung cấp một bản cập nhật cho FSD vào năm 2023 để các nhà quản lý thấy rằng chiếc xe an toàn hơn nhiều so với khi con người bình thường lái.

Craig Irwin, một nhà phân tích tại công ty Roth Capital, nhận xét: “Musk đang mở ra khả năng Tesla sẽ có một con đường khó khăn hơn để FSD được phê duyệt”.

Các cơ quan quản lý an toàn ô tô từ lâu đã quan tâm đến Tesla về hệ thống lái xe tự động một phần của hãng. Kể từ năm 2016, Cơ quan Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia (NHTSA) đã mở 38 cuộc điều tra đặc biệt về các vụ tai nạn liên quan đến ô tô điện Tesla khiến 19 người chết, xem liệu phần mềm có phải là một yếu tố không.

Gene Munster, thành viên quản lý của Loup Ventures - công ty đầu tư mạo hiểm sở hữu cổ phiếu Tesla, cho biết: “Căng thẳng giữa NHTSA với Tesla sẽ gia tăng vào cuối năm nay và Tesla sẽ tiến lên phía trước”.

Việc Tesla đặt tên cho phần mềm của mình cũng đã gây ra sự ngạc nhiên, với việc nhà sản xuất ô tô bị cơ quan quản lý giao thông bang California cáo buộc quảng cáo sai sự thật vì các tính năng này không cung cấp khả năng kiểm soát xe tự hành hoàn toàn.

Trang web Tesla cho biết cả hai công nghệ đều "yêu cầu sự giám sát tích cực của tài xế", với người lái xe "cần hoàn toàn chú ý" khi tay cầm vô lăng "và không để chiếc xe tự hành".

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng vấn đề chính của Tesla không phải là các cơ quan quản lý mà là chính phần mềm, do sự phức tạp của việc lái xe tự hành.

Bryant Walker Smith, giáo sư luật tại Đại học Nam Carolina, cho biết: "Trở ngại là công nghệ, không phải là sự phê duyệt công nghệ đó".

Tesla đã nhiều lần bỏ qua các mục tiêu tự đặt ra cho các phương tiện của mình để đạt được khả năng tự lái hoàn toàn - một chức năng mà Elon Musk nói rằng cuối cùng sẽ trở thành "nguồn lợi nhuận quan trọng nhất cho Tesla".

Sơn Vân