ĐBQH Hoàng Văn Cường: Bệnh viện danh tiếng xin thôi tự chủ là thất bại trong cơ chế quản lý
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 10:33, 24/10/2022
Sáng 24.10, Quốc hội thảo luận hội trường về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Y bác sĩ đều muốn có thiết bị hiện đại
ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) bày tỏ băn khoăn khi trong thời gian qua có hàng chục nghìn cán bộ y tế nghỉ việc, rời khỏi các bệnh viện công, kể cả các bệnh viện lớn; nhiều bệnh viện lớn xin thôi không thực hiện cơ chế tự chủ mà chuyển sang cơ chế hưởng bao cấp từ ngân sách.
Theo ông Cường, nhiều cán bộ y tế xin nghỉ việc, việc các bệnh viện lớn có danh tiếng luôn trong tình trạng quá tải vì được đông đảo khách hàng lựa chọn nhưng lại xin thôi tự chủ là một sự thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý đối với bệnh viện công lập.
“Phần lớn các y bác sĩ đều mong muốn bệnh viện có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, thuốc và vật tư đúng chủng loại để các thầy thuốc được toàn quyền lựa chọn thực hiện các phác đồ điều trị hữu hiệu nhất, không bị giới hạn bởi các ràng buộc khống chế về chi phí, danh mục các loại thuốc và thiết bị”, ông Cường nói và cho biết nhiều bệnh nhân mong muốn và sẵn sàng chi trả viện phí cao để được khám, chữa và điều trị trong điều kiện tốt nhất tại các bệnh viện công lập.
Tuy nhiên, vì không được đáp ứng nên họ phải mang ngoại tệ đi ra nước ngoài hoặc là phải sang khám, điều trị tại bệnh viện tư hoặc các bệnh viện quốc tế, chỉ vì một điều kiện là các cơ sở đó có thiết bị hiện đại hơn.
“Tất cả những vấn đề nêu trên đều xuất phát từ nguyên nhân căn bản là cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các bệnh viện khai thác phát huy hết các tiềm năng, lợi thế vốn có của mình”, ông Cường nêu.
ĐB Hoàng Văn Cường hy vọng rằng những bất cập về cơ chế quản lý như trên sẽ được giải quyết thấu đáo khi sửa Luật Khám, chữa bệnh lần này.
Tuy nhiên, theo ông Cường, những cơ chế để bệnh viện công thực hiện quyền tự chủ trong tổ chức, quản lý hoạt động để khai thác hết tiềm năng, lợi thế của đội ngũ y, bác sĩ có trình độ chuyên môn, tay nghề cao thành nơi cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh có chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế vẫn đang là một khoảng trống trong dự thảo luật này.
Cần quy định về tự chủ của bệnh viện công
Do vậy, Đại biểu Cường đề nghị đề nghị luật sửa đổi cần quy định về tự chủ của bệnh viện công. Tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, các đơn vị y tế công lập nói riêng là một xu thế tất yếu nhưng trong toàn bộ dự thảo luật chưa có nội dung nào đề cập đến cơ chế tự chủ của các cơ sở khám chữa bệnh công lập.
“Cần phải quy định rõ tự chủ là trao quyền cho các bệnh viện được tự quyết định các hoạt động khám chữa bệnh; được quyền quyết định về tổ chức bộ máy và con người phù hợp với các hoạt động khám chữa bệnh; tự chủ trong quyết định những vấn đề về tài chính của bệnh viện kể cả nguồn thu từ ngân sách; quy định rõ những điều kiện để bệnh viện được thực hiện cơ chế tự chủ và xác định cấp độ tự chủ khác nhau để xác định các quyền năng đi liền với mức độ tự chủ mà cơ sở khám chữa bệnh đạt được”, ông Cường cho hay.
Ngoài ra, theo ông Cường, cần quy định cơ chế xác định giá dịch vụ y tế đối với các cơ sở khám chữa bệnh tự chủ có sự khác biệt so với các đơn vị chưa tự chủ. Đồng thời, quy định rõ cơ chế quản lý tài chính đối với bệnh viện tự chủ về tự quyết định sử dụng nguồn thu; tự quyết định mức chi, mức trả tiền lương; tự quyết định đầu tư, mua sắm và trích các quỹ đầu tư phát triển; quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo.
Về việc tự chủ tài chính của các bệnh viện, theo Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định), việc Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K đề nghị thôi thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện thể hiện có nhiều vướng mắc khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các bệnh viện nhà nước.
“Đó là những vấn đề thực tiễn đang đặt ra khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính cho các cơ sở khám, chữa bệnh công lập cần thiết phải được luật hóa một cách minh bạch. Điều này vừa để nhân dân người bệnh rõ về cách thức vận hành của cơ sở khám, chữa bệnh, vừa để cơ sở khám, chữa bệnh và người hành nghề yên tâm điều hành hoạt động cơ sở yên tâm và dành nhiều thời gian hơn cho công tác chuyên môn là khám bệnh, chữa bệnh”, ông Dũng nói.
Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) cũng cho rằng cần bổ sung quy định về thực hiện tự chủ tại đơn vị y tế công lập trong luật.
Bà Thu nêu rõ, dù cơ chế tài chính là vấn đề hết sức quan trọng đối với hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Trần Khánh Thu cho biết đây cũng là vấn đề pháp luật còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện. Hiện nay các cơ sở y tế công lập đang gặp khó khăn trong việc thực hiện tự chủ. Dự thảo Luật lại chưa có điều khoản quy định về thực hiện tự chủ tại đơn vị y tế công lập.
Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm điều khoản quy định về tự chủ tài chính đối với đơn vị y tế công lập. Trong đó, cần quy định xác định mức độ tự chủ, nguyên tắc phân loại, phân tiêu chí, phân loại mức độ tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về dinh dưỡng trong điều trị.
Cấm lợi dụng khám chữa bệnh để quấy rối tình dục
Về quy định các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) đề nghị cấm lợi dụng hành vi khám bệnh, chữa bệnh để có hành vi quấy rối tình dục người bệnh, người thân người bệnh.
Về việc thu hồi giấy phép hoạt động, khoản 1 Điều 54 đã có quy định tương đối chi tiết, đại biểu đề nghị bổ sung thêm trường hợp bị thu hồi giấy phép hoạt động: lần thứ 2 bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động do để xảy ra sai sót chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh. Việc bổ sung này sẽ đảm bảo xử lý nghiêm, hạn chế lặp lại những sai sót y khoa tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Tạo niềm tin với người bệnh, nâng cao chất lượng khám bệnh.