Cứu tinh năng lượng nói thẳng với châu Âu về tương lai đen tối khi thiếu "khí đốt Nga"
Quốc tế - Ngày đăng : 11:33, 24/10/2022
Với một cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ở châu Âu, các quốc gia trên khắp Lục địa già đang lấp đầy kho dự trữ khí đốt của họ và chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine vào tháng Hai đã đánh dấu sự mất ổn định thị trường năng lượng toàn cầu và khiến giá năng lượng tăng vọt. Kể từ đó, Nga đã giảm đáng kể nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu sau khi phương Tây tìm cách giam tiền của Nga.
Các nhà lãnh đạo châu Âu từ Vương quốc Anh đến Cộng hòa Czech đang chuẩn bị sẵn sàng cho một mùa đông dài và lạnh giá, người dân bình thường đang phải làm mọi cách để tiết kiệm năng lượng. Đáng lo ngại nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang bị ảnh hưởng bởi hóa đơn điện nước hàng tháng tăng hơn 300%.
Nhưng theo Bộ trưởng năng lượng Qatar, Saad al-Kaabi, từng đó có thể vẫn chỉ là khúc dạo đầu cho nỗi đau thực sự. Người đứng đầu QatarEnergy cho biết cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu có thể "tồi tệ hơn nhiều vào năm tới".
Ông nói với tờ Financial Times hôm thứ ba tuần trước: “Mùa đông sắp tới thì không sao vì kho dữ trữ đã đầy. Nhưng năm sau và năm sau nữa, thậm chí đến năm 2025, sẽ là vấn đề”.
Trước cuộc chiến, Liên minh châu Âu phụ thuộc vào Nga. Là nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ hai trên thế giới, Nga đã rót 40% nguồn cung cho châu Âu. Trong nhiều tháng nay, các quốc gia trên khắp cựu lục địa đã chuyển hướng tập trung trở lại vào điện than và điện hạt nhân làm dịu bớt tác động của nguồn cung năng lượng bị hạn chế, đồng thời cũng là thử nghiệm một biện pháp cai nghiện khí đốt.
Qatar là cựu thành viên của OPEC nên không liên quan đến việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ hồi đầu tháng đã tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng / ngày. Động thái này sẽ làm tăng giá dầu khi nền kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với lạm phát cao. Đồng thời, hành động đó cũng khiến việc phương Tây áp trần giá dầu Nga trở nên khó khả thi.
Nhưng theo Bộ trưởng Al Kaabi, ngay cả khi châu Âu cố gắng đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng sâu sắc bằng cách tìm đến các dạng năng lượng khác, thì họ cũng chẳng kịp xoay sở được gì khi cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục và nguồn cung của Nga bị ngừng hoàn toàn. Ông tin rằng cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu có thể kéo dài đến năm 2025.
Bộ trưởng Qatar nói: "Nếu đúng như vậy, thì tôi nghĩ vấn đề sẽ rất nghiêm trọng và tác động trong một thời gian rất dài. Bạn đơn giản là không có đủ khối lượng để thay thế lượng khí thiếu hụt đó trong dài hạn, trừ khi bạn dám nói: 'Tôi sẽ xây dựng các nhà máy điện hạt nhân khổng lồ, tôi sẽ cho phép sử dụng than, tôi sẽ đốt dầu nhiên liệu'.
Qatar là nhà xuất khẩu LNG (khí đốt tự nhiên hóa lỏng) hàng đầu thế giới, một dạng năng lượng mà châu Âu đã chuyển sang sử dụng kể từ khi Nga cắt giảm nguồn cung. Nhưng ông Al Kaabi nói bất chấp sự gia tăng nhập khẩu LNG của châu Âu, điều đó vẫn không tạo nên sự khác biệt — và các cuộc đàm phán giữa châu Âu và Qatar đã dẫn đến “sự cạnh tranh lớn” với các nhà nhập khẩu châu Á. Mặc dù vậy, nguồn cung tăng đồng nghĩa với việc phải xây lắp nhiều đường ống hơn, có thể mất vài năm để hoàn thành.
Trong khi đó, các nước châu Âu đang tập trung vào nhu cầu và tiêu dùng trong nước. Đức, Tây Ban Nha và Pháp đã cắt giảm hệ thống sưởi ở một số khu vực công cộng, cấm chiếu sáng bên ngoài cho các tòa nhà và tượng đài, đồng thời hạ nhiệt độ tối thiểu trong các văn phòng.
Nhưng mùa đông sắp đến. Nếu trời đủ lạnh, nhu cầu có thể sẽ tăng cao hơn dự kiến và các nước châu Âu có thể áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng nghiêm ngặt hơn.