Nghệ thuật dân tộc: Dòng chảy lặng lẽ nhưng bền bỉ

Văn hóa - Ngày đăng : 14:16, 24/10/2022

Âm nhạc dân tộc nói riêng và nghệ thuật dân tộc nói chung dù hoạt động lặng lẽ, thưa thớt nhưng sức sống vẫn rất bền bỉ và dai dẳng.

Chương trình âm nhạc dân tộc mang tên Sắc màu do 130 thầy trò khoa âm nhạc dân tộc thuộc Nhạc viện TP.HCM tổ chức vào cuối tuần tại Nhạc viện TP.HCM, ngỡ rằng chỉ là một sân chơi nội bộ nhưng đã nhận được sự tán thưởng nhiệt liệt của khán giả. Điều này có một sức tác động truyền cảm hứng rất lớn đến những nghệ sĩ theo đuổi thể loại này cũng như tạo hiệu ứng tốt đối với các bạn trẻ vẫn còn chưa định hướng đam mê.

tuongco2-3-.jpg
Chương trình âm nhạc dân tộc như một lát cắt của nền văn hóa, nghệ thuật âm nhạc Việt Nam

Đây là một lát cắt cho thấy âm nhạc dân tộc nói riêng và nghệ thuật dân tộc nói chung dù hoạt động lặng lẽ, thưa thớt nhưng sức sống vẫn rất bền bỉ và dai dẳng.

Từ âm nhạc...

Sắc màu có thời lượng 90 phút, 12 tiết mục bài bản cổ lẫn sáng tác mới, làn điệu truyền thống được phối mới, tài tử đến hát chèo, âm sắc hiện đại qua nhạc cụ truyền thống như đàn bầu “khát vọng”, song tấu đàn nhị “dạ khúc”, hòa tấu dàn nhạc Sắc màu. Ngày nay, trên truyền hình, công chúng sẽ thấy gameshow, phim ảnh, ca nhạc hiện đại và hầu như rất ít thấy chương trình âm nhạc dân tộc. Tại sân khấu trình diễn, các chương trình âm nhạc dân tộc càng khó tìm.

Vì vậy, thoạt nhìn nội dung chương trình Sắc màu thật khó thu hút khán giả nếu so với các show diễn theo khuynh hướng thị trường có sự góp mặt của các ngôi sao đình đám. Thế nhưng, chương trình vẫn bán hết vé, mà trong đó, phần đông là khán giả trẻ - một điều bất ngờ với ban tổ chức chương trình. Theo Trưởng khoa âm nhạc truyền thống Nhạc viện TP.HCM, NSƯT - TS. Nguyễn Hải Phượng, buổi hòa nhạc được tổ chức là một nỗ lực góp phần giúp các sinh viên của khoa có cợ hội trình diễn, giới thiệu mình và tạo cơ hội nghề nghiệp về sau.

Nhiều năm qua, âm nhạc truyền thống như một dấu lặng giữa đời sống âm nhạc Việt sôi động và phong phú. Thậm chí, người ta mặc định rằng đó là thứ âm nhạc dành riêng cho những người già và hoài cổ. Điều này xuất phát từ những người trong cuộc chỉ trình diễn trong một không gian giới hạn như tại các liên hoan, các hội thảo. Số người năng động, khát khao mang âm nhạc dân tộc ra sân chơi lớn còn quá hiếm hoi.

Trong số ít ấy, có NSƯT, TS.Hải Phượng. Từ hơn 20 năm trước, bà đã biểu diễn nhạc dân tộc tại nhà hàng trong khách sạn năm sao. Bà cũng lăn xả tận vùng sâu vùng xa với mong muốn rằng chỉ cần thêm một người biết về âm nhạc dân tộc cũng không uổng công.

tuongco2-2-.jpg
NSƯT – TS. Hải Phượng là người luôn nỗ lực để mang âm nhạc truyền thống đến gần với công chúng

Niềm đam mê này đã giúp bà được mời trình diễn và thu âm tại rất nhiều sự kiện âm nhạc quốc tế. Điều này, một mặt giúp lan tỏa âm nhạc Việt Nam ra thế giới, mặt khác truyền cảm hứng cho những ai đam mê thể loại này nhưng còn do dự không biết rằng học xong tương lai sẽ trôi về đâu. Rõ ràng, những cá nhân như NSƯT Hải Phượng đã góp phần duy trì sức sống cho âm nhạc dân tộc trước sự bủa vây và lấn lướt của âm nhạc hiện đại.

Sự cống hiến bền bĩ của những người như NSƯT Hải Phượng cũng đã đánh thức thế hệ trẻ. Hồi đầu năm 2022, công chúng bất ngờ khi nhìn thấy các nhạc cụ như sáo trúc, đàn tranh, đàn nhị xuất hiện trong MV Chân mây với âm nhạc điện tử làm chủ đạo. Dự án này do ca sĩ Phương Thanh kết hợp với K-ICM thực hiện và Hải Phượng làm cố vấn sáng tác và phối khí, đã gây ấn tượng với người thưởng thức.

Trong năm 2022, NSƯT Hải Phượng như một chú ong chăm chỉ. Bà liên tục xuất hiện trong nhiều sự kiện như vị trí giám khảo Liên hoan ca múa nhạc dân tộc Giai điệu quê hương do Sở văn hóa và thể thao TP.HCM, phụ diễn trong vở cải lương Độc thoại đêm của nghệ sĩ Tú Quyên, giám khoảo Cuộc thi nhạc cụ dân tộc F-SOUND – Thanh âm FPTU dành cho sinh viên, giao lưu cùng câu lạc bộ Đình Làng Việt. Bên cạnh đó, bà cũng tháp tùng cùng Trường đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM trình diễn trong rất nhiều lễ hội dân gian. Tần số hoạt động của bà cho thấy nhu cầu tìm hiểu và thưởng thức âm nhạc dân tộc là không nhỏ cho dù các sự kiện ấy không được truyền tải rộng lớn.

Đến hát bội và cải lương

Hát bội là bộ môn sử dụng nhiều nhạc cụ âm nhạc truyền thống và bài bản âm nhạc cổ. Khi cải lương lên ngôi, hát bội dường như mất khán giả, lặng lẽ lui về sân chơi rất hạn hẹp. Vậy nhưng, cho đến hiện tại, hát bội vẫn còn được trình diễn vào các lễ hội kỳ yên, cúng đình. Thậm chí, có một vài chương trình hát bội được tổ chức không định kỳ hướng đến những ai muốn tìm hiểu loại hình nghệ thuật này. Cải lương cũng là bộ môn sử dụng nhiều nhạc cụ và bài bản âm nhạc dân tộc, sau khi soán ngôi hát bội đã có một thời hoàng kim rực rỡ từ thập niên 1950 kéo dài đến 1990. Nhưng giờ đây, cải lương cũng lui về một sân chơi hẹp dù vẫn còn không gian hoạt động rộng lớn hơn hát bội.

tuongco2-1-.jpg
NSƯT Thoại Mỹ trong vai thần phi Nguyễn Thị Anh vở Đêm trước ngày hoàng đạo của đoàn cải lương Đại Việt

Vào năm 2022, sức sống của sân khấu cải lương phía Nam trỗi dậy mạnh mẽ với rất nhiều hoạt động. Nhà hát cải lương Trần Hữu trang ra mắt một loạt vở mới. Các nghệ sĩ hào hứng tham dự kỳ thi Tài năng diễn viên sân khấu Trần Hữu Trang. Các đoàn tư nhân gồm Đại Việt, Sen Việt dựng các vở cải lương lịch sử đẹp và hoành tráng như Đêm trước ngày hoàng đạoVương quyền. Hai vở diễn này đã chinh phục được khán giả phía Nam trước khi gây tiếng vang lớn tại Liên hoan sân khấu Thủ Đô lần V – 2022 tại Hà Nội.

Ngay sau cuộc thi này kết thúc, các đoàn lên lịch tiếp tục công diễn phục vụ công chúng. Bên cạnh đó, lao vào tập luyện tuồng mới để tham gia Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc diễn ra tại Long An vào tháng 12.2022.

tuong.jpg
Poster vở "Chân dung người mở cõi" -  một trong những tuồng mới của nhà hát cải lương Trần Hữu Trang

Một dấu ấn khác cho thấy cải lương đang được tiếp sức qua sự xuất hiện của đoàn Đồng ấu Bạch Long thế hệ mới tại sân khấu Nón Lá. Ngay từ xuất đầu tiên của đêm diễn đã bán hết vé, và ở những suất diễn sau, vẫn duy trì được lượng khán giả kín khán phòng. Mới nhất, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của Idecaf đã ra mắt Nhà hát Thanh Niên tại Nhà văn hóa Thanh Niên. Sân khấu này có cả nghệ thuật cải lương hướng đến công chúng trẻ.

Như vậy, có thể thấy, dù âm nhạc truyền thống, hát bội, cải lương vẫn tiếp tục khó khăn nhưng vẫn có nhiều nhân tố âm thầm cống hiến để níu giữ sức sống, và khát khao tìm ra cách phát triển. Nhờ vậy, mà nghệ thuật dân tộc nói chung vẫn âm thầm hoạt động như một dòng chảy lặng thầm và bền bỉ.

Nguyễn Huy