Thanh tra đột xuất các dự án bất động sản tai tiếng, 'bán lúa non' ở Bình Dương
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 16:16, 24/10/2022
Đoàn thanh tra gồm 11 thành viên do ông Lê Thành Tài – Phó Chánh thanh tra tỉnh Bình Dương làm trưởng đoàn; phía UBND tỉnh Bình Dương cử ông Bùi Duy Hiền - Chánh thanh tra tỉnh trực tiếp theo dõi, chỉ đạo, giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra. Thời kỳ thanh tra từ khi triển khai thực hiện dự án cho đến nay.
Với thời hạn thanh tra là 45 ngày làm việc kể từ ngày công bố quyết định thanh tra (không kể các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật). Trường hợp phức tạp, Đoàn thanh tra có thể gia hạn theo quy định pháp luật.
Đây là cuộc thanh tra đột xuất của UBND tỉnh để đánh giá tình hình chấp hành quy định pháp luật của các đơn vị. Qua đó, nắm bắt những vấn đề vướng mắc, bất cập trong lĩnh vực đất đai tại địa phương. Đồng thời, phát hiện các sai phạm (nếu có) để xử lý kịp thời đúng quy định pháp luật.
Kết quả có 3 đơn vị, doanh nghiệp bị thanh tra có Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Bình Dương và Công ty CP Đầu tư thương mại Á Châu (Công ty Á Châu), Công ty TNHH Xây dựng dịch vụ thương mại đầu tư bất động sản Tường Phong (Công ty Tường Phong).
Theo đó, Công ty Tường Phong là chủ đầu tư dự án Roxana Plaza, phường Vĩnh Phú, TP.Thuận An. Vào năm 2021, hàng trăm người mua căn hộ tại dự án này nhiều lần căng băng rôn đề nghị chủ đầu tư hoàn thiện xây dựng và bàn giao nhà.
Theo phản ánh của khách hàng, nhiều người đã đóng tiền để mua căn hộ tại dự án Roxana Plaza với số tiền giao dịch từ 30 - 65% (tương đương 400 triệu - 900 trăm triệu đồng) từ năm 2019-2021.
Thế nhưng, đơn vị đứng ra ký kết hợp đồng giao dịch với khách hàng không phải Công ty Tường Phong mà là Công ty Cổ phần Naviland (Công ty Naviland). Sau khi "xuống tiền" thì khách hàng mới biết chủ đầu thực sự của dự án là Công ty Tường Phong. Công ty Naviland chỉ là đơn vị được Công ty Tường Phong ủy quyền cho ký kết hợp đồng giao dịch với khách hàng.
Đến khi người mua nhà tập trung phản đối nhiều lần thì đại diện Công ty Naviland mới cho biết công ty đang thực hiện thủ tục nhận chuyển nhượng dự án từ Công ty Tường Phong. Thủ tục chuyển nhượng dự án vẫn chưa hoàn tất.
Ngoài ra, đại diện Công ty Naviland còn “tố” lãnh đạo cũ của công ty đã cấu kết với đơn vị phân phối để chiếm đoạt tiền thu của khách hàng. Do vậy, công ty không có vốn để hoàn thiện dự án.
Công ty Á Châu là chủ đầu tư dự án Khu nhà ở Suối Giữa (tên cũ là Khu nhà ở thương mại Tương Bình Hiệp) tại phường Tương Bình Hiệp và phường Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một.
Theo phản ánh của nhiều khách hàng, dự án Khu nhà ở Suối Giữa được rao bán, quảng cáo rầm rộ từ năm 2017 – 2018 và nhiều người dân đã tiến hành các hoạt động giao dịch để mua đất tại dự án này. Tuy nhiên, đến nay, nghĩa là sau 5 năm, hàng trăm khách hàng dù đã xuống tiền vẫn chưa nhận được nền còn dự án thì vẫn là bãi đất trống.
UBND tỉnh Bình Dương xác định Công ty Á Châu đã vi phạm quy định về huy động hoặc chiếm dụng vốn trái phép tại dự án Khu nhà ở Suối Giữa, vi phạm Điểm đ, Khoản 4, Điều 57 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ. UBND tỉnh xử phạt Công ty Á Châu 285 triệu đồng về vi phạm này.
Bất chấp “bán lúa non”
Thời gian qua, Bình Dương là một “điểm nóng” về các vi phạm trong hoạt động kinh doanh bất động sản trái với các quy định của pháp luật.
Sở Xây dựng Bình Dương đã đưa ra những cảnh báo về việc nghiêm cấm hành vi rao bán dự án khi chưa đủ điều kiện. Đồng thời, Sở Xây dựng thông báo sẽ tổ chức cắm biển báo tại các dự án chưa đủ điều kiện mà pháp luật về đất đai, kinh doanh bất động sản cho phép.
Tuy nhiên, ghi nhận thực tế trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện nay không ít dự án vẫn đang tồn tại hình thức "bán lúa non".
Điển hình là dự án Khu nhà ở cao tầng Hoàng Nam (tên thương mại Honas Residence) tọa lạc trên đường Bình Thung, phường Bình An, TP.Dĩ An, do Công ty TNHH Dịch vụ BĐS & Xây Dựng Hoàng Nam làm chủ đầu tư.
Dự án Honas Residence thời gian qua được nhiều môi giới quảng cáo, rao bán và thu tiền của khách hàng từ khi chưa thi công xong phần móng.
Trả lời báo chí về pháp lý của dự án này, đại diện Sở Xây dựng Bình Dương khẳng định, dự án Khu nhà ở cao tầng Hoàng Nam đến nay chưa có văn bản xác nhận đủ điều kiện huy động vốn thông qua hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh…
"Dự án Khu nhà ở cao tầng Hoàng Nam được rao bán, nhận tiền đặt cọc, giữ chỗ và huy động vốn không đúng quy định. Sở Xây dựng sẽ rà soát và thu thập hồ sơ để xem xét xử lý hành vi kinh doanh bất động sản đó không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định hoặc không được phép đưa vào kinh doanh (nếu có) theo quy định pháp luật", Sở Xây dựng Bình Dương thông tin.
Tiếp đến, dự án Khu nhà ở Thương mại Hoàng Nam Uyên Hưng, cũng do Công ty TNHH Dịch vụ BĐS & Xây Dựng Hoàng Nam làm chủ đầu tư đang rầm rộ chào bán dù chưa được phép chuyển nhượng.
Theo đó, dự án Hoàng Nam Uyên Hưng được quảng cáo tọa lạc trên khu đất rộng gần 5 ha, được quy hoạch là khu nhà ở thương mại đồng bộ, sang trọng và hiện đại bậc nhất Tân Uyên. Hoàng Nam Tân Uyên được kỳ vọng sẽ là nơi đáp ứng cho nhu cầu đầu tư – an cư thịnh vượng cho khách hàng. Dự kiến giai đoạn 1 của Hoàng Nam Uyên Hưng triển khai mở bán 348 nền sổ sẵn và nhà phố 1 trệt 2 lầu.
Hay dự án căn hộ Diamond Boulevard (tên pháp lý Khu căn hộ - Chung cư Tân An) do Công ty Tecco Miền Nam làm chủ đầu tư. Dự án này quảng bá với nhiều thông tin “siêu hấp dẫn” như tọa lạc ở mặt tiền đường quốc lộ 13, trục đường huyết mạch kết nối TP. HCM với Bình Dương. Dự án Diamond Boulevard sở hữu hàng ngàn tiện ích khu vực, được rao bán với giá từ 31 triệu đồng/m2. Song trên thực tế, dự án hiện nay vẫn trong giai đoạn đầu triển khai và chưa được Sở Xây dựng Bình Dương cho phép tổ chức huy động vốn.