Ưu tiên của Quân ủy Trung ương Trung Quốc khóa mới
Quốc tế - Ngày đăng : 11:00, 25/10/2022
Trước đó, trong bài phát biểu mở màn Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC), ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm của CPC là hiện thực hóa về cơ bản cuộc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa trước năm 2035. Bên cạnh đó, một mục tiêu chính được nhắc đến là kiên định tiến tới tái thống nhất quốc gia, giải quyết vấn đề Đài Loan.
“Chúng ta sẽ tiếp tục cố gắng tái thống nhất ôn hòa với sự chân thành lớn nhất và nỗ lực tối đa, nhưng chúng ta sẽ không bao giờ hứa sẽ từ bỏ sử dụng vũ lực và có quyền sử dụng mọi biện pháp cần thiết”, ông Tập phát biểu trước đại hội.
Trong phiên họp toàn thể sáng 23.10, Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 20 đã công bố thành phần Quân ủy Trung ương với một số nhân vật mới. Quân ủy Trung ương là cơ quan lãnh đạo cao nhất về quân sự của Trung Quốc. Cơ quan này có 16 đơn vị trực thuộc, số lượng thành viên có thể thay đổi tùy từng khóa.
Theo tờ South China Morning Post, nhân sự Quân ủy Trung ương Trung Quốc khóa mới với 7 thành viên cho thấy quân đội Trung Quốc sẽ chú trọng tới vấn đề Đài Loan trong 5 năm tới hoặc xa hơn nữa.
Cụ thể, tướng Hà Vệ Đông - nhân vật có kinh nghiệm chỉ huy Chiến khu miền Đông - được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương xếp sau một Phó chủ tịch là tướng Trương Hựu Hiệp.
Chiến khu miền Đông lãnh đạo lực lượng vũ trang ở 6 tỉnh thành Giang Tô, Thượng Hải, Chiết Giang, An Huy, Giang Tây, Phúc Kiến và chịu trách nhiệm giám sát khu vực Thái Bình Dương nằm phía đông Trung Quốc - gồm cả đảo Đài Loan và quần đảo Nansei của Nhật Bản.
Tướng Hà (65 tuổi) thăng tiến khá nhanh chóng trong hơn 10 năm qua. Năm 2008 ông là thiếu tướng của Tập đoàn quân 31 đồn trú Phúc Kiến, năm 2017 lên trung tướng rồi trở thành đại tướng chỉ huy Chiến khu miền Đông năm 2019.
Trước khi được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, tướng Hà đã là thành viên Bộ Chỉ huy liên hợp trực thuộc Quân ủy Trung ương - cơ quan chỉ huy hàng đầu của quân đội Trung Quốc. Tướng Hà được cho từng tham gia cuộc tập trận quy mô lớn quanh đảo Đài Loan đầu tháng 8 năm nay.
Ở kỳ Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 năm 2017, tướng Hà không hề có tên trong Ban chấp hành Trung ương đảng. Vậy mà đến kỳ đại hội này ông lại nằm trong Bộ Chính trị và giữ cả chức Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Nhà phân tích quân sự Tống Trung Bình (Hồng Kông) nhận định sự thăng tiến của tướng Hà - người có nền tảng vững chắc ở Phúc Kiến - cho thấy quân đội Trung Quốc đang tăng cường chuẩn bị cho việc giải quyết vấn đề Đài Loan.
Học giả Lý Nam thuộc Đại học quốc gia Singapore cũng có cùng quan điểm Đài Loan là một trong những lý do khiến tướng Hà được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Tướng Miêu Hoa - Ủy viên Quân ủy Trung ương khóa trước, từng công tác tại Tập đoàn quân 31 như tướng Hà - cũng tiếp tục ở lại Quân ủy khóa mới.
Trường hợp tướng Trương Hựu Hiệp phản ánh một ưu tiên khác. Tướng Trương Hựu Hiệp sinh năm 1950 ở tỉnh Thiểm Tây. Ông là con trai của nguyên Bộ trưởng Bộ Tổng hậu cần Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Trương Tông Tốn.
Tướng Trương từng theo học chuyên ngành chỉ huy chiến đấu tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc. Ông hiện là thành viên Bộ Chính trị và là một trong số ít tướng ở Trung Quốc có kinh nghiệm chiến trường.
Theo học giả Lý, Chủ tịch Tập cần một người đáng tin cậy chỉ huy quân đội và đào tạo sĩ quan trẻ. Tướng Trương tuy lớn tuổi nhưng là lựa chọn tốt.
Nhà bình luận quân sự Lương Quốc Lượng (Hồng Kông) nhận định tướng Trương có thể giúp tư lệnh lục quân Lưu Chấn Lập - thuộc thế hệ tướng lĩnh mới - xây dựng vị thế trong Quân ủy Trung ương. Tướng Lưu vừa được bổ nhiệm làm Ủy viên Quân ủy Trung ương.
“Tướng Trương dày dạn kinh nghiệm còn tướng Lưu sở hữu thành tích chiến đấu. Đây là một cuộc chuyển giao thế hệ”, theo nhà bình luận Lương.