Nhật Bản cấm người nước ngoài sở hữu đất gần các căn cứ quân sự
Chuyển động - Ngày đăng : 12:26, 25/10/2022
Luật bảo vệ đặc biệt các vị trí nhạy cảm được các nghị sĩ Nhật đề xuất hồi hè 2021, vào lúc có sự lo ngại người nước ngoài - hoặc các công ty vỏ bọc thuộc các chính phủ có chính sách thù địch với Nhật - có thể mua và sở hữu đất đai nhằm sử dụng vào mục đích phá hoại các hoạt động của quân đội Nhật hoặc quân đội Mỹ trú đóng tại Nhật.
Các vị trí này đều được đánh giá là quá nhạy cảm, nên không thể cho phép người nước ngoài mua và sở hữu đất.
Các chuyên gia cảnh báo các điệp viên nước ngoài có thể sử dụng các tòa nhà của người nước ngoài, để nghe lén các liên lạc quân sự, hoặc để chiếu laser vào máy bay quân sự.
Chính quyền Nhật đề phòng mất đất vào tay ai ?
Đạo luật bảo vệ đặc biệt các vị trí nhạy cảm đã có hiệu lực từ tháng 10.2022. Nhưng có thể sẽ còn nhiều vị trí được đưa vào danh sách bảo vệ trong những năm tới, và các vị trí này sẽ có thể tăng đến con số 600.
Các quan chức Nhật đã xác định trên toàn quốc có 58 vị trí nhạy cảm, gồm các căn cứ quân sự Mỹ và Nhật, các nhà máy điện hạt nhân cùng những cơ sở hạ tầng quan trọng khác và các đảo tiền tiêu. Các vị trí này được đánh giá là đủ quan trọng để cấp quyền bảo vệ đặc biệt.
Các vị trí gồm những cơ sở ở phần cực bắc nước Nhật, gần Nga và CHDCND Triều Tiên, cùng các vị trí ở miền nam đối diện Trung Quốc, và tính thêm các trung tâm kiểm soát - chỉ huy ở thủ đô Tokyo của Nhật.
Báo Đức Deutsche Welle đưa tin: luật của Nhật không xác định người của nước nào gây ra những lo ngại trên, nhưng có sự hiểu ngầm rằng chính quyền Nhật sẽ chú ý kỹ việc người Nga mua và sở hữu đất ở vùng cực bắc, và người Trung Quốc cũng như người thuộc cộng đồng lớn gốc Triều Tiên sống ở Nhật.
Tại nhiều vùng ở Nhật, ví dụ đảo Tsushima nằm cách Nhật với Hàn Quốc, chính quyền cũng sẽ chú ý người Hàn Quốc muốn sở hữu đất, do đã có một số người nhấn mạnh đảo này chính xác là thuộc lãnh thổ Hàn Quốc.
Chấm dứt tình trạng “tự do cho tất cả làm chủ đất đai” của Nhật
“Cho đến nay, hầu như tất cả mọi người đều có quyền tự do mua đất quanh các vị trí nhạy cảm trên toàn quốc, và không khó để người nước ngoài hoặc các công ty mua đất hoặc nhà dọc một căn cứ quân sự, chẳng hạn thế”, theo ông Ryo Hinata-Yamaguchi, một giáo sư trợ giảng ở Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Tiên tiến và Công nghệ thuộc Đại học Tokyo.
Ông nói: “Phía Nhật có 3 lo ngại chính, là do thám, chiến tranh tuyên truyền để gây ảnh hưởng lên các cộng đồng dân cư ở gần những vị trí nhạy cảm, và cuối cùng là những đợt tấn công nhỏ để gây gián đoạn hoặc phá hoại”.
Vị giáo sư nhấn mạnh: “Mối quan ngại lớn nhất sẽ là Trung Quốc và Nga”.
Vào năm 2020, chính phủ Nhật đã lập một báo cáo, cho biết có những cá nhân và tổ chức có liên quan Trung Quốc đã mua được 80 lô đất ở gần các vị trí nhạy cảm trên toàn nước Nhật.
Trong số vụ mua - bán này có lô đất 8ha chỉ cách căn cứ không quân Chitose của không quân Cục phòng vệ Nhật Bản 3km. Căn cứ này ở Hokkaido, và lô đất là của một công ty Trung Quốc.
Tương tự, chính quyền huyện đảo Taketomi (ở phía cực nam tỉnh Okinawa gần Đài Loan) đã phải can thiệp, mua một lô đất 2,4ha trước khi một người mua Trung Quốc có thể hoàn tất vụ mua bán.
Các vụ mua bán khác đã diễn ra tại một lô đất gần cơ sở radar của Nhật ở Mũi Nosappu. Cơ sở radar này có tầm quan trọng là giám sát các hoạt động của máy bay và tàu bè Nga ở phía bắc Thái Bình Dương, cũng như để bảo vệ một cơ sở hạ tầng quân sự Mỹ ở tỉnh Kanagawa, phía nam Tokyo.
Động thái của Nhật tiếp sau việc Mỹ lo ngại việc lắp đặt các phương tiện viễn thông - do Trung Quốc sản xuất - ở gần các căn cứ quân sự nhạy cảm trên lãnh thổ Mỹ.
Một cuộc điều tra của FBI đã xác định phương tiện của tập đoàn công nghệ Huawei (Trung Quốc) đã được lắp đặt trên các tháp sóng ở nhiều vị trí thuộc vùng Trung Tây nước Mỹ, và chúng được cho là có thể bắt sóng hoặc phá sóng liên lạc quốc phòng vốn thuộc diện tuyệt mật.
Các dữ liệu gồm những trao đổi liên lạc của Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ, cơ quan điều hành hệ thống đánh chặn hạt nhân của Mỹ.
Bà Hiromi Murakami, một giáo sư khoa chính trị ở Đại học Temple, nói nhiều khả năng Mỹ đã báo động trước tiên với Nhật về tầm cỡ hoạt động do thám của nước ngoài.
Bà nhận định: “Tôi không nghĩ các nhà hoạch định chính sách Nhật có thật sự cảnh giác trước mối đe dọa an ninh, và chỉ đến khi Washington đánh động thì Tokyo mới bắt đầu xem trọng việc phòng chống”.