Dùng thưởng và phạt để kích thích các nhà thầu nhanh chóng hoàn thành tiến độ giao thông
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 22:00, 25/10/2022
Bộ Giao thông Vận tải muốn phạt nhà thầu chậm
Báo cáo mới nhất của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy hiện trong 10 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đang triển khai, 6 dự án thành phần vẫn chưa đáp ứng kế hoạch đề ra.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, 5 nguyên nhân lớn khiến tiến độ thi công các dự án thành phần chưa đạt đúng kỳ vọng là: khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, sự bất thường của thời tiết, diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, vướng mắc trong giải quyết thủ tục cấp phép khai thác mỏ vật liệu, biến động lớn về giá vật tư, vật liệu xây dựng.
Để đốc thúc tiến độ, Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện hàng loạt các giải pháp như lãnh đạo Bộ và các cơ quan tham mưu tăng cường kiểm tra hiện trường, tổ chức họp giao ban hàng tuần, nghiêm khắc phê bình kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu các Ban Quản lý dự án; yêu cầu các ban, nhà thầu ký cam kết về tiến độ hoàn thành dự án.
Đối với các hạng mục bị chậm, nhà thầu phải kiểm soát tiến độ theo ngày/tuần/tháng, có kế hoạch khắc phục để bù lại, đảm bảo hoàn thành dự án theo tiến độ yêu cầu. Trường hợp chậm trễ không thể khắc phục, Bộ Giao thông Vận tải sẽ kiên quyết cắt chuyển khối lượng, bổ sung nhà thầu phụ, xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm theo quy định của hợp đồng.
Đề ra yêu cầu các Ban quản lý dự án thực hiện theo dõi và đánh giá kết quả thực hiện của từng nhà thầu hàng ngày, hàng tuần, đại diện Cục Quản lý Đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết trường hợp không thực hiện đúng cam kết, Ban Quản lý dự án báo cáo Bộ Giao thông Vận tải xem xét không cho tham gia thực hiện các gói thầu thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, nặng hơn nữa là chấm dứt hợp đồng và tịch thu bảo lãnh.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư muốn thưởng nhà thầu vượt tiến độ
Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến xây dựng dự thảo nghị định về chế độ thưởng hợp đồng với các gói thầu giao thông trong chương trình phục hồi kinh tế-xã hội và một số dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm của ngành giao thông.
Trong tờ trình gửi tới Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra danh mục dự án thuộc phạm vi áp dụng nghị định thưởng hợp đồng của Chính phủ trong thời gian tới gồm 19 dự án giao thông trọng điểm trên cả nước.
Đó là dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội; dự án xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM; dự án thành phần 1A Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc vành đai 3 TP.HCM.
Các dự án: xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1; xây dựng đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1; các cao tốc: Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1 đoạn qua tỉnh Tuyên Quang; cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua Hà Giang giai đoạn 1; cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; cầu vượt sông Đáy nối Ninh Bình - Nam Định trên tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng.
Dự án đường Hồ Chí Minh; cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; cao tốc Bến Lức - Long Thành; dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Và các dự án đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến Nhổn - ga Hà Nội; Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo); dự án đường sắt đô thị TP.HCM (metro Bến Thành - Suối Tiên; metro Bến Thành - Tham Lương).
Về nguồn tiền thưởng, Bộ này cho biết Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, và các văn bản hiện hành không quy định cụ thể về khoản chi độc lập để thưởng hợp đồng. Tuy nhiên, theo quy định về xây dựng, thưởng hợp đồng là một nội dung của hợp đồng, gắn với giá trị gói thầu. Vì vậy, Bộ đề xuất Chính phủ cho phép sử dụng phần vốn dư sau đấu thầu (bao gồm cả chỉ định thầu) và chi phí tiết kiệm trong quá trình thực hiện gói thầu làm nguồn thưởng.
Phương thức thưởng hợp đồng là một nội dung của hợp đồng, gắn với giá trị gói thầu với cách tính (số tiền thưởng bằng số tiền dư sau đấu thầu không tính dự phòng) x (tỷ lệ thời gian được rút ngắn) x (hệ số khuyến khích).
Hệ số khuyến khích được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất là 2. Bộ cho rằng tiền thưởng phải đủ hấp dẫn với nhà thầu nên cần có hệ số khuyến khích nhằm đảm bảo trong điều kiện lý tưởng, doanh nghiệp được thưởng tối đa số tiền thưởng. Còn Bộ Giao thông Vận tải cho biết tỉ lệ rút ngắn thời gian thi công với các dự án nhóm A trở lên tối đa là 50% thời gian.
Và theo công thức tính tiền thưởng trên, số tiền nhà thầu tăng tốc, rút ngắn thời gian thực hiện dự án giao thông trọng điểm tối đa sẽ bằng với chính số tiền dư sau khi đấu thầu dự án.