Singapore, tấm gương tự động hóa sản xuất
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:30, 26/10/2022
Ngành sản xuất trên toàn thế giới đang đối mặt với vô số thách thức khắc nghiệt: lạm phát tăng cao, thiếu lao động, gián đoạn chuỗi cung ứng...
Nhưng trước thách thức, hoạt động sản xuất Singapore lại ngày một tốt hơn. Đảo quốc sư tử thuộc số ít quốc gia thành công trong việc đảo ngược đà suy giảm tỷ trọng của sản xuất trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Bí quyết thành công của Singapore có thể được tóm gọn trong một từ: robot.
Quá trình chuyển đổi sang tự động hóa của Singapore không phải chính sách ngắn hạn mà là kế hoạch dài hạn nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho sản xuất công nghệ cao.
Đảo quốc sư tử đã thực hiện một số bước đi có tầm nhìn để vươn mình thành quốc gia có nền sản xuất dùng robot nhiều hàng đầu thế giới. Một trong số đó là nuôi dưỡng tài năng bằng loạt sáng kiến như tài trợ quan hệ hợp tác nghiên cứu giữa các trường đại học, trợ cấp đào tạo lao động.
Singapore giữ vững sức hấp dẫn với nhà đầu tư đa quốc gia bằng cách duy trì nền kinh tế mở cho phép đầu tư trực tiếp nước ngoài cùng hàng hóa trung gian chảy vào và sản phẩm hoàn thiện xuất đi liền mạch với chi phí rẻ. Nước này cũng nổi tiếng bảo vệ tốt sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, chính phủ Singapore còn khuyến khích công ty sản xuất lẫn công ty kỹ thuật trên toàn cầu xây dựng nhà máy tại đảo quốc, cung cấp nhiều khoản trợ cấp để đơn vị nội địa làm việc với đối tác nước ngoài tiếp thu kiến thức lẫn công nghệ tiên tiến.
Tự động hóa đem lại thế lưỡng nan. Sử dụng robot giúp tăng năng suất lẫn sản lượng, nhưng khiến công nhân nhà máy mất việc làm khiến bất bình đẳng xã hội thêm trầm trọng.
Một nghiên cứu của Oxford Economic chỉ ra mỗi một robot được lắp đặt ở khu vực thu nhập thấp sẽ thay thế trung bình 2,2 công nhân nhà máy, nếu lắp đặt ở khu vực thu nhập cao cùng một quốc gia thì mức độ thay thế chỉ là 1,3.
Giới chính trị gia phải cân nhắc cả lợi lẫn hại. Mỹ cùng châu Âu chủ trương phục hồi ngành sản xuất gắn liền với tạo việc làm. Tại Singapore, dù việc làm ngành sản xuất đã giảm 8 năm liên tiếp nhưng đối tượng chịu tổn thất là lao động nhập cư nước ngoài. Lao động Singapore nằm trong nhóm hưởng lợi: 60% công nhân ngành sản xuất của nước này được xếp vào loại tay nghề cao.
Singapore với diện tích nhỏ, dân trí cao, hạ tầng phát triển có thể là trường hợp đặc biệt, nhưng thành công tự động hóa mà đảo quốc sư tử đạt được cũng đem lại một số bài học cho thế giới.
Bài học đầu tiên là sự cần thiết phải lập chiến lược dài hạn, điều thường không xảy ra ở nền kinh tế lớn tiên tiến thường chịu áp lực từ giới kinh doanh, tài chính lẫn công đoàn. Ví dụ nước Anh năm 2021 đã từ bỏ chiến lược công nghiệp mà họ vạch ra 4 năm trước để chuyển sang cách tiếp cận khác.
Một bài học khác là sự gắn kết giữa chính sách công nghiệp, hệ thống giáo dục, cơ sở đào tạo chuyên gia và hệ sinh thái kinh doanh. Trên hết là đầu tư công thúc đẩy nghiên cứu công nghệ tiên tiến, giảm thuế cho đơn vị đầu tư vào năng lực công nghệ, tổ chức chương trình nâng cao kỹ năng lực lượng lao động.
Bằng tầm nhìn dài hạn cùng kế hoạch được thực hiện chặt chẽ, các doanh nghiệp và chính phủ có thể khai thác lợi ích từ robot trong khi vẫn giúp được lao động bị ảnh hưởng chuẩn bị và thích ứng với biến động mà tiến trình tự động hóa mang lại.