Mỹ nâng cấp hệ thống phòng thủ đặt tại Hàn Quốc

Quốc tế - Ngày đăng : 11:48, 26/10/2022

Tháng qua, lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) thông báo tích hợp một thiết bị cải tiến hiệu suất cho hệ thống phòng thủ tên lửa giai đoạn cuối (THAAD) đặt tại TP.Seongju.

Thiết bị mới sẽ nâng cao năng lực phòng thủ của THAAD để bảo vệ Hàn Quốc khỏi mối đe dọa tên lửa Triều Tiên, cũng như tăng cường khả năng bảo vệ tài sản cốt lõi, theo USFK.

Lực lượng Mỹ không cung cấp thông tin chi tiết về thiết bị mới. Trước đó nhật báo Kyunghyang Shinmun đưa tin khoảng 10 xe chở thiết bị liên quan đến THAAD đi vào căn cứ Seongju.

Xe được cho chở ra đa, thiết bị điện tử (EEU) và phương tiện vận chuyển tên lửa phục vụ Chương trình hoạt động khẩn cấp (JEON) của USKF nhằm tích hợp THAAD với hệ thống đánh chặn PAC-3 thuộc dòng Patriot.

JEON gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu tách ống phóng khỏi khẩu đội THAAD để cho phép điều khiển bệ phóng từ xa. Giai đoạn 2 dùng thông tin từ ra đa THAAD tiến hành phóng tên lửa Patriot. Giai đoạn 3 dùng ống phóng THAAD phóng tên lửa PAC-3 MSE.

Một hệ thống THAAD hoàn chỉnh có 6 ống phóng, 1 bộ kiểm soát hỏa lực, 1 ra đa AN/TPY-2 cùng 1 đơn vị hỗ trợ.

Vào tháng 3, đơn vị phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) đã phóng thành công PAC-3 MSE từ hệ thống THAAD đặt tại bang New Mexico. Vụ thử chứng tỏ PAC-3 MSE hoàn toàn có thể triển khai cùng ra đa, bộ kiểm soát hỏa lực và liên lạc của THAAD.

Patriot là hệ thống phòng thủ tầm thấp đối phó tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa hành trình, máy bay không người lái cảm tử cùng máy bay tiên tiến. THAAD mạnh mẽ hơn, chuyên đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và trung lúc chúng bay ở giai đoạn cuối.

PAC-3 MSE có tầm bắn 40km, tiêu diệt được mục tiêu ở độ cao hơn 24km, thua kém tên lửa THAAD sử dụng bắn xa hơn 200km, tiêu diệt được mục tiêu ở độ cao 150km. Ra đa AN/TPY-2 của THAAD cũng quét xa hơn AN/MPQ-65 hay AN/MPQ-65A trang bị cho PAC-3 MSE. Như vậy 2 hệ thống tích hợp với nhau sẽ tạo nên lớp phòng thủ tầm thấp đến cao.

he07korea-thaad-superjumbo.jpg
Hệ thống THAAD đặt tại Hàn Quốc - Ảnh: Reuters

Mối đe dọa tên lửa Triều Tiên và lo ngại từ Trung Quốc

Thông tin USKF nâng cấp hệ thống THAAD đặt tại Hàn được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng trên báo đảo Triều Tiên đang leo thang. 10 năm qua Triều Tiên phát triển không ít tên lửa tấn công như KN-23 hay KN-25 bay thấp hơn tầm đánh chặn của THAAD và đủ sức vươn đến mọi khu vực ở Hàn Quốc (thậm chí Nhật Bản).

Do đó, tích hợp THAAD với PAC-3 MSE là cách đối phó phù hợp. Tướng Mỹ về hưu Randy McIntire chỉ ra cách này tận dụng ra đa tầm quét xa của THAAD giúp PAC-3 MSE mở rộng không gian tác chiến.

Dù THAAD được Hàn Quốc dùng đối phó Triều Tiên, nhưng hệ thống này cũng khiến Trung Quốc lo ngại vì nó hoàn toàn có thể do thám cơ sở quân sự Trung Quốc.

Năm 2016, Bắc Kinh phản ứng rất mạnh mẽ khi Seoul thông báo kế hoạch cho Mỹ đặt THAAD trên lãnh thổ. Quan hệ thương mại cùng giao lưu văn hóa song phương bị đình chỉ cho đến lúc Tổng thống Moon Jae-in đưa ra chính sách “3 không”: không bổ sung THAAD, không tham gia mạng lưới phòng thủ khu vực do Mỹ dẫn đầu, không lập liên minh quân sự Mỹ - Nhật - Hàn.

Tuy nhiên căng thẳng đứng trước nguy cơ tái bùng phát vì người kế nhiệm ông Moon là Tổng thống Yoon Suk-yeol muốn đảo ngược chính sách “3 không”. Chính phủ Hàn Quốc đương nhiệm đã cấp thêm 400.000m2 đất cho việc triển khai THAAD.

Không chỉ Hàn Quốc, THAAD còn hiện diện ở đảo Guam và Nhật Bản. Nếu được nâng cấp như THAAD tại Hàn thì chúng có thể liên kết với nhau thông qua Trung tâm chỉ huy trung ương Alaska.

Cẩm Bình