‘Nghiện nhiên liệu hóa thạch’ gây ra nạn đói và nóng chết người

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 17:44, 26/10/2022

Sức khỏe của loài người bị suy giảm hàng năm vì thế giới “nghiện nhiên liệu hóa thạch”, đó là kết luận của một báo cáo đăng trên tạp chí y học The Lancet.
nha-may-dien-chay-than-duc-ap-1.jpeg
Mặt trời lặn sau một nhà máy nhiệt điện than ở Đức - Ảnh: AP

Thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu đã gây ra nạn đói cho gần 100 triệu người và làm tăng số người chết vì nóng bức lên 68% ở các nhóm dân cư dễ bị tổn thương, chỉ vì thế giới “nghiện nhiên liệu hóa thạch”, theo một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí y học uy tín Lancet hôm 25.10.

Việc toàn thế giới đốt than, dầu thô, khí thiên nhiên và nhiên liệu sinh khối đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường làm chết 1,2 triệu người/năm, gồm 11.800 người ở Mỹ, theo Báo cáo đếm ngược về sức khỏe và biến đổi khí hậu.

Trong báo cáo của tạp chí Lancet, gần 100 nhà nghiên cứu trên toàn cầu đã nhấn mạnh 43 chỉ dấu về tình trạng biến đổi khí hậu khiến loài người dễ bị bệnh và yếu hơn, đi kèm là nạn đói đã xảy ra trong năm nay. Phân tích mới trong báo cáo cho biết có hơn 98 triệu ca đói trên thế giới trong năm 2020 “vào những ngày nóng khắc nghiệt gia tăng cả về tần suất lẫn cường độ do biến đổi khí hậu”.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét 103 quốc gia và phát hiện 26,4% dân số đã trải qua điều mà các nhà khoa học gọi là “mất an ninh lương thực”. Trong thế giới mô phỏng không có tác động của biến đổi khí hậu thì con số này chỉ là 22,7%, theo nhà nghiên cứu sức khỏe và khí hậu Marina Romanello của Đại học London và là Tổng giám đốc Lancet Countdown.

Bà Romanello nói: “Sức khỏe của chúng ta đang phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Chúng tôi đã ghi nhận tình trạng nghiện nhiên liệu hóa thạch kéo dài vốn không chỉ làm tăng tác động của tình trạng biến đổi khí hậu lên sức khỏe, mà còn đi kèm với các khủng hoảng chồng lấn lên nhau mà toàn cầu đang phải đối mặt, gồm dịch bệnh COVID-19 vẫn đang tiếp diễn, các khủng hoảng giá cả sinh hoạt, năng lượng và lương thực do chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine gây ra. Và tác động của tình trạng biến đổi khí hậu lên sức khỏe đang tăng nhanh”.

Bà còn cho biết các mô hình dịch tễ học trên máy tính cũng cho thấy sự gia tăng số ca tử vong hàng năm liên quan đến nắng nóng, từ mức trung bình 187.000 ca/năm từ năm 2000 - 2004 lên mức 312.000 ca/năm trong 5 năm qua.

nha-may-dien-chay-than-duc-ap-2jpeg.jpeg
Trẻ em châu Phi luôn bị suy dinh dưỡng - Ảnh: AP

Khi có một đợt nắng nóng như đợt nóng kỷ lục năm 2020 ở phía tây bắc Thái Bình Dương hoặc đợt nắng nóng ở Anh mùa hè này, các bác sĩ phòng cấp cứu biết rằng đó là lúc “chúng ta đang bước vào một ca trực có nhiều thách thức”, theo phát biểu của đồng tác giả nghiên cứu Renee Salas, một bác sĩ phòng cấp cứu Boston và là giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Harvard.

Các nhà khoa học nói ô nhiễm không khí do đốt than, dầu và khí đốt cũng gây ô nhiễm không khí, gây ra khoảng 1,2 triệu ca tử vong/năm trên toàn thế giới do các hạt nhỏ trong không khí.

Tiến sĩ Salas nói con số 1,2 triệu ca này dựa trên “bằng chứng khoa học to lớn. Đốt khí trong xe hơi hoặc đốt than trong các nhà máy điện có thể gây ra bệnh hen suyễn ở trẻ em và gây ra các vấn đề về tim. Việc kê đơn thuốc hít sẽ không giải quyết được nguyên nhân gây ra cơn hen suyễn cho một cậu bé sống cạnh đường cao tốc, nơi dòng xe đang tạo ra các chất ô nhiễm nguy hiểm và biến đổi khí hậu đang làm gia tăng khói cháy rừng, phấn hoa và ô nhiễm ozone”.

Giáo sư sức khỏe môi trường Natasha DeJarnett của Đại học Louisville, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết cả ô nhiễm không khí và tử vong do nắng nóng đều là những vấn đề lớn đối với người già và người rất trẻ, đặc biệt là người nghèo.

Sacoby Wilson, giáo sư về sức khỏe môi trường tại Đại học Maryland, người không tham gia báo cáo, cho biết nghiên cứu của tạp chí Lancet có ý nghĩa và định hình ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe một cách mạnh mẽ.

Vị giáo sư nhấn mạnh: “Mọi người đang chết dần theo cách chúng ta nói. Hạn hán, sa mạc hóa, không có thức ăn, lũ lụt, sóng thần. Chúng ta đang chứng kiến những gì đã xảy ra ở Pakistan, Nigeria”.

Cả Wilson lẫn tiến sĩ Courtney Howard, người không tham gia nghiên cứu, cho biết các tác giả báo cáo đã đúng khi gọi vấn đề là “nghiện nhiên liệu hóa thạch”, tương tự như nghiện ma túy có hại.

Tiến sĩ Howard là bác sĩ phòng cấp cứu và giáo sư y khoa tại Đại học Calgary, nói báo cáo của tạp chí Lancet cho thấy số người chết vì ô nhiễm không khí và nắng nóng ngày càng tăng, nhưng mọi người vẫn “tiếp tục hành vi theo thói quen bất chấp những tác hại đã biết, tức đúng là chứng nghiện. Cho đến nay, việc điều trị chứng nghiện nhiên liệu hóa thạch của chúng ta đã không hiệu quả”.

Tiến sĩ Salas nói: “Đây không phải là căn bệnh ung thư hiếm gặp mà chúng ta không có phương pháp điều trị. Chúng ta biết phương pháp điều trị mà chúng ta cần. Chúng ta chỉ cần sức mạnh ý chí từ tất cả chúng ta và các nhà lãnh đạo để biến nó thành hiện thực”.

Khi khen ngợi báo cáo Lancet Countdown, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres thậm chí còn nói thẳng thừng hơn cả các bác sĩ tham gia nghiên cứu: “Khủng hoảng khí hậu đang giết chết chúng ta”.

Bảo Vĩnh