Chip toàn cầu chuyển từ thiếu sang dư

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 13:58, 27/10/2022

Tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu nay đã chấm dứt, nhường chỗ cho tình trạng dư thừa.

Nhu cầu hàng điện tử thu hẹp nhanh chóng khiến các đơn hàng bị hủy và lượng hàng tồn kho của đơn vị sản xuất như TSMC, AMD, Nvidia gia tăng.

Theo nhà phân tích Tạ Thụy Phong thuộc công ty nghiên cứu thị trường ICwise: “Tình hình đảo ngược quá nhanh. Năm ngoái các nhà thiết kế chip còn phải vất vả nâng cao năng suất, vậy mà bây giờ họ nhận ra chip không bán được”.

Báo Caixin dẫn lời một người làm việc lâu năm trong ngành điện thoại cho biết năm nay ngành đã cắt giảm đến 3 đợt đơn đặt hàng chip.

Nhu cầu giảm

Công ty nghiên cứu thị trường Strategy Analytics ước tính số hàng điện thoại thông minh 5G toàn cầu năm 2022 giảm khoảng 150 triệu đơn vị, nhu cầu chip điện thoại 5G giảm 100 - 120 triệu đơn vị.

Các nhà sản xuất điện thoại đang chật vật tìm cách giải quyết lượng hàng tồn kho lớn. Tính đến cuối tháng 6, tồn kho điện thoại thông minh thành phẩm toàn cầu ước đạt 200 triệu đơn vị.

Nhà phân tích Tạ cho biết nhiều nhà sản xuất điện thoại do tin vào kỳ vọng lạc quan đưa ra năm ngoái đã trữ hàng đủ cho 6 tháng. Phó giám đốc công ty tư vấn Strategy Analytics Sravan Kundojjala cũng chỉ ra tình trạng thiếu chip trước đó khiến các nhà sản xuất tích trữ lượng lớn linh kiện - tập trung vào chip 5G tầm thấp đến tầm trung, chip tần số vô tuyến - đủ dùng đến giữa năm 2023.

Nhu cầu chip điện thoại thông minh và máy tính cá nhân chiếm hơn một nửa công suất của các xưởng đúc chip toàn cầu. Chip ô tô vẫn thiếu hụt nhưng mặt hàng này chỉ chiếm chưa đến 10% tổng thị trường chip.

Không chỉ điện thoại thông minh mà cả thị trường máy tính cá nhân (PC) cũng đối mặt với nhu cầu giảm. Tập đoàn tư vấn Gartner ước tính tổng lượng xuất xưởng PC toàn cầu quý 2/2022 đạt 72 triệu đơn vị - giảm gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm lớn nhất trong 9 năm.

chip00.jpg
Nhu cầu hàng điện tử giảm mạnh khiến chip tồn kho tăng - Ảnh: Reuters

Triển vọng yếu

TSMC - nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới - bị 4 khách hàng lớn nhất là AMD, Nvidia, Qualcomm, MediaTek giảm đơn hàng. Dù quý 3/2022 ghi nhận mức tăng lợi nhuận kỷ lục, TSMC vẫn hạ dự báo chi phí vốn năm nay đồng thời cảnh báo toàn ngành chip có thể hứng chịu sụt giảm vào năm sau.

Nhiều công ty khác cũng chuẩn bị đối mặt với khó khăn. AMD hạ dự báo doanh thu quý 3 vì thị trường PC suy yếu đáng kể. Intel, Nvidia, Micron Technology đều đưa ra triển vọng không mấy khả quan.

Nửa đầu năm 2022, những khó khăn kinh tế vĩ mô cùng loạt sự kiện bất ngờ khiến nhu cầu hàng điện tử tiêu dùng giảm mạnh - trong đó điện thoại thông minh cùng PC giảm mạnh nhất. Micron dự đoán số hàng PC toàn cầu năm nay giảm 10 - 20%, còn điện thoại thông minh giảm chưa tới 10%.

Để giải quyết hàng tồn kho, các nhà sản xuất chip bắt đầu giảm giá. Một nhà phân tích dự báo hãng UNISOC trong nửa cuối năm có thể giảm giá 20 - 30% sau khi bị Samsung hủy đơn hàng. Ví dụ một chip điện thoại 4G của UNISOC năm ngoái có giá gần 17 USD thì nay chỉ còn khoảng 9 USD.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Isaiah Research, Qualcomm sẽ giảm giá chip điện thoại 5G tầm trung 10 - 15%, MediaTek cũng áp dụng mức giảm tương tự với một số chip 5G.

Trong bối cảnh chiến tranh, bất ổn kinh tế, bất ổn chính trị đang diễn ra, rất khó dự đoán lúc nào thị trường tiêu dùng chạm đáy và bật tăng trở lại. Năng suất bổ sung giai đoạn thiếu hụt sẽ khiến ngành chip bước vào thời kỳ dư thừa kéo dài.

Chuyên gia Dale Gai thuộc công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research dự báo nhu cầu đĩa bán dẫn năm 2023 bằng hoặc giảm nhẹ so với năm 2022, trong khi năng suất dự kiến tăng khoảng 7%.

Nhu cầu chip điện thoại tiên tiến sẽ tiếp tục mở rộng - phản ánh nhu cầu mạnh mẽ của các thương hiệu cao cấp như iPhone. Nhu cầu có thể chạm đáy vào năm 2024, theo chuyên gia Gai.

Cẩm Bình