Thủ tướng Anh không dự Hội nghị khí hậu là tín hiệu đáng lo cho Tổng thống Mỹ
Quốc tế - Ngày đăng : 11:38, 28/10/2022
Văn phòng của Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết người đứng đầu nội các Anh sẽ không tham dự COP27 - hội nghị khí hậu lớn của Liên hợp quốc bắt đầu ở Ai Cập vào tháng tới. Lý do là ông muốn tập trung vào các vấn đề trong nước.
Người phát ngôn của Phố Downing cho biết: "Thủ tướng dự kiến sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Ai Cập do các cam kết cấp bách khác trong nước, bao gồm cả việc chuẩn bị cho tuyên bố mùa thu".
Sunak trở thành thủ tướng Anh hôm thứ ba và đã trì hoãn công bố tài khóa mùa thu đến ngày 17.11, để ông có thời gian tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và khôi phục uy tín kinh tế quốc tế bị tổn hại trong nhiệm kỳ ngắn ngủi của người tiền nhiệm Liz Truss.
Bà Truss đã từ chức sau nhiệm kỳ kéo dài 7 tuần, trong đó “sáng kiến” cắt giảm thuế của bà đã gây ra tình trạng hỗn loạn về kinh tế và chính trị. Bà Truss vốn dự kiến sẽ tham dự hội nghị được gọi là COP27, nhưng tân quan thì tân chính sách.
Để xoa dịu dư luận, người phát ngôn nói rằng Anh vẫn "cam kết tuyệt đối ủng hộ COP27 và khởi xướng các hành động quốc tế để giải quyết biến đổi khí hậu và bảo vệ thiên nhiên", đồng thời cam kết: "Vương quốc Anh sẽ có đầy đủ đại diện của các bộ trưởng cấp cao khác, cũng như Chủ tịch COP Alok Sharma. Họ sẽ làm việc để đảm bảo rằng các quốc gia tiếp tục đạt được tiến bộ đối với các cam kết mang tính đột phá được đưa ra tại COP26 ở Glasgow".
Điều đáng nói, Anh đã tổ chức hội nghị COP26 năm ngoái tại Glasgow, Scotland, với sự tham dự của Thủ tướng Boris Johnson lúc bấy giờ. Do vậy, việc ông Sunak xem nhẹ COP27 khác hẳn với các người tiền nhiệm khiến dư luận hết sức chú ý.
Ngay tại trong nước, đảng Lao động đối lập đã chỉ trích quyết định bỏ dự hội nghị thượng đỉnh của thủ tướng Sunak khi người phát ngôn chính sách về biến đổi khí hậu của đảng này gọi quyết định của ông Sunak là một "sai lầm lớn".
Nhưng người thất vọng nhất khi Thủ tướng Anh từ chối dự COP27 có lẽ là Tổng thống Mỹ Joe Biden. Trở lại với hội nghị khí hậu là quyết sách lớn của ông Biden sau khi trở thành Tổng thống Mỹ để thể hiện vai trò dẫn dắt thế giới và đảo ngược chính sách người tiền nhiệm Donald Trump vì ông Trump rất xem thường việc biến đổi khí hậu.
Tổng thống Biden đã tham dự hội nghị năm ngoái ở Scotland và dự định sẽ đến Ai Cập để tham dự COP27. Ông rất hy vọng Hội nghị sẽ trở thành diễn đàn để thể hiện tiếp vai trò của Mỹ mà các thủ tướng Anh trước rất ủng hộ. Tuy nhiên, việc ông Sunak không đến Ai Cập để ở lại trong nước đã cho thấy thủ tướng mới Anh không coi trọng vấn đề đối ngoại đa phương mà tập trung triệt để cho lợi ích quốc gia hơn.
Như đã từng phân tích, cả ông Johnson và bà Truss đều xuất thân từ Ngoại trưởng nên họ rất quan tâm vấn đề quốc tế. Nhưng cả hai cùng ý thức rằng họ không thể và không nên gây áp lực trong chính sách đối ngoại của New Dehli. Với ông Sunak là một nhà kỹ trị, xuất thân từ Bộ trưởng Tài chính và hầu như không quan tâm đến tình hình đối ngoại trước giờ. Do vậy, thời gian tới, việc Mỹ muốn lôi kéo Anh ủng hộ triệt để các vấn đề đa phương sẽ không còn dễ nếu chuyện đó khiến sức khỏe kinh tế Anh bị ảnh hưởng.