Các mẫu vật sao Hỏa có thể chứa bằng chứng về sự sống
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 13:43, 28/10/2022
Nhóm các nhà nghiên cứu đặt giả thuyết rằng các sinh vật thực sự đã sống trên sao Hỏa từ lâu, khi hành tinh đỏ đầy nước. Họ cho rằng bất kỳ sinh vật nào bị chôn vùi dưới mặt đất sẽ tồn tại lâu nhất.
Nghiên cứu kết luận rằng một số sinh vật sống trên bề mặt có thể tồn tại trong khí hậu khắc nghiệt của sao Hỏa trong hàng trăm triệu năm. Theo đó, dấu tích của những sinh vật đó vẫn có thể nằm dưới đất sao Hỏa.
Vì vậy, các sứ mệnh sắp tới, chẳng hạn ExoMars của Cơ quan Vũ trụ liên bang Nga và Cơ quan Vũ trụ châu Âu, đang sẵn sàng khai thác trầm tích dưới lòng đất sao Hỏa. Nhóm nghiên cứu lạc quan sẽ sớm thấy một số bằng chứng đột phá về sự sống ngoài Trái đất.
"Nếu sự sống trên sao Hỏa từng tồn tại, ngay cả khi các dạng sống khả thi không hiện diện trên sao Hỏa, thì các đại phân tử của chúng sẽ tồn tại lâu hơn nữa. Điều đó củng cố xác suất rằng, nếu sự sống từng tiến hóa trên sao Hỏa, điều này sẽ được tiết lộ trong các sứ mệnh khám phá trong tương lai", Michael Daly - nhà nghiên cứu tại Đại học Khoa học y tế Uniformed Services (Mỹ) và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết trong một tuyên bố.
Phát hiện của nhóm nghiên cứu cũng nhấn mạnh cách tất cả các sứ mệnh trên sao Hỏa trong tương lai phải thực hành hết sức thận trọng vì có thể làm ô nhiễm sao Hỏa bằng vi khuẩn đến từ Trái đất. Chúng có thể ẩn nấp trong giày của phi hành gia hoặc các thiết bị khoa học và có khả năng tồn tại ở hành tinh đỏ trong một thời gian dài.