Bảy công trình ngành dầu khí đoạt giải thưởng KH-KT VIFOTEC 2021

Thông tin và phát triển - Ngày đăng : 14:40, 28/10/2022

Ngày 25.10 tại Hà Nội, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã công bố các công trình đoạt giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 2021. Ngành dầu khí có 7 công trình nghiên cứu khoa học công nghệ được giải.

Năm 2021 giải thưởng VIFOTEC có 110 công trình được gửi về tham dự cuộc thi. Trong đó, Ban Tổ chức giải thưởng đã xem xét và trao giải cho 45 công trình thuộc 6 lĩnh vực: Cơ khí - tự động hóa; Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; Công nghệ vật liệu; Công nghệ sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; Công nghệ nhằm ứng phó với biến đối khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; Công nghệ tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới.

ct1.jpg
Tọa đàm Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2021

7 công trình của ngành dầu khí được trao giải trong đợt này gồm: Lĩnh vực Cơ khí - tự động hóa có công trình “Thiết kế, chế tạo và ứng dụng thiệt bị HABE (Hydraulic Extendable Bail Arm/Quang treo thủy lực” của kỹ sư Nguyễn Văn Hiếu (chủ nhiệm) và các cộng sự Công ty TNHH một thành viên Giếng khoan dầu khí PVD (PVD Well Services, thuộc Tổng công ty cổ phần Khoan và dịch vụ khoan dầu khí (PV Drilling) đoạt giải ba.

Công trình “Thiết kế, chế tạo máy test động Mechanical seal” của kỹ sư Nguyễn Anh Khoa (chủ nhiệm) và các cộng sự Xưởng Cơ khí, Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC) đoạt giải khuyến khích.

Lĩnh vực Công nghệ tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới có công trình “Tối ưu nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhà máy Đạm Cà Mau” của kỹ sư Văn Tiến Thanh và các cộng sự Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC) đoạt giải ba.

Lĩnh vực Công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên có các công trình: “Quy trình tổng hợp dung dịch NH3” của kỹ sư Phạm Thường (chủ nhiệm) và các cộng sự Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC) đoạt giải ba; “Giải pháp và tái sử dụng xúc tác RFCC đã qua sử dụng” của kỹ sư Huỳnh Công Vĩnh (chủ nhiệm) và các công sự Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đoạt giải ba; “Tăng nhiệt độ điểm chớp cháy cho sản phẩm DCO đáp ứng tiêu chuẩn FO (FP) của BSR làm tiền đề cho việc nghiên cứu sản xuất MFO của BSR” của thạc sĩ Nguyễn Hoàng Tri (chủ nhiệm) và các cộng sự Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đoạt giải ba.

ct2.jpg
Công  nhân, kỹ sư BSR đã làm chủ khoa học công nghệ lọc hóa dầu - Ảnh tư liệu

Công trình “Chính xác hóa phân bổ đặc tính chất lưu PVT bằng áp dụng nghiên cứu cân bằng nhiệt động học kết hợp với phương trình trạng thái” của thạc sĩ Nguyễn Hoàng Đức (chủ nhiệm) và các cộng sự Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) đoạt giải khuyến khích.

Các công trình đoạt giải đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống, giải quyết được các yêu cầu của thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, góp phần thúc đẩy sản xuất của các doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, thay thế máy móc nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước và tạo ra thị trường công nghệ phục vụ đời sống, an ninh và quốc phòng.

H.V