Pháp và Đức tìm ra tiếng nói chung: Sẵn sàng 'trả đũa' thương mại Mỹ
Quốc tế - Ngày đăng : 16:27, 28/10/2022
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 26.10 đã kết thúc cuộc họp kéo dài 3 giờ đồng hồ tại Paris để giải quyết những khác biệt về cách xử lý khủng hoảng năng lượng, quốc phòng, ứng xử với đối thủ… Sau khi làm việc, quan chức của hai bên khẳng định cuộc gặp diễn ra “tốt đẹp”.
Tuy nhiên, dư luận vẫn dấy lên hoài nghi về những mâu thuẫn giữa hai quốc gia châu Âu có thể tác động đến sự đoàn kết của EU trong việc giải quyết các thách thức hiện nay của khối này. Theo Politico, hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức dường như đã cùng nhau nhất trí đưa ra cảnh báo về sự cạnh tranh không lành mạnh từ Mỹ và khả năng châu Âu có thể đáp trả.
Họ đồng ý rằng các kế hoạch trợ cấp trong nước gần đây của Mỹ đã bóp méo thị trường khi thuyết phục các doanh nghiệp chuyển hoạt động sản xuất sang thị trường Mỹ. Hai nhà lãnh đạo nước này cũng đồng ý rằng EU không thể tiếp tục đứng nhìn Washington "tung hoành".
Cụ thể, theo đạo luật giảm lạm phát mới được ban hành, chính phủ Mỹ sẽ cắt giảm thuế và cung cấp các lợi ích năng lượng cho các công ty đầu tư trên đất Mỹ. Mỹ cũng khuyến khích người tiêu dùng “Mua xe Mỹ” khi chọn một chiếc xe điện - một động thái có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành công nghiệp xe hơi lớn như Pháp và Đức.
Nếu Mỹ không thu hẹp quy mô, thì EU sẽ phải đáp trả bằng các chương trình khuyến khích tương tự để tránh cạnh tranh không lành mạnh hoặc mất các khoản đầu tư. Hành động này có nguy cơ đẩy quan hệ xuyên Đại Tây Dương vào một cuộc chiến thương mại mới.
Tổng thống Pháp Macron là người đầu tiên đưa ra cảnh báo rõ ràng trước công chúng.
“Chúng ta cần một đạo luật ở châu Âu giống như người Mỹ, chúng ta cần dành trợ cấp cho các nhà sản xuất châu Âu”, ông Macron nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình France 2 hôm 26.10, khi đề cập cụ thể đến trợ cấp của nhà nước đối với ô tô điện.
“Trung Quốc đang bảo vệ ngành công nghiệp của mình, Mỹ đang bảo vệ ngành công nghiệp của họ còn châu Âu lại đang đứng nhìn. Cả Thủ tướng Đức Olaf Scholz và tôi đã có những quan điểm đồng thuận về chủ đề này, chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện rất tốt”, ông Macron nói khi bày tỏ những lo ngại tương tự về các chính sách bảo hộ thương mại của Trung Quốc.
Berlin - vốn từ lâu có truyền thống tỏ ra miễn cưỡng hơn khi đối đầu với Mỹ trong các tranh chấp thương mại - thực sự đang ủng hộ sự thúc đẩy của Pháp. Thủ tướng Đức đã đồng ý rằng EU sẽ cần phải đưa ra các biện pháp đối phó tương tự như kế hoạch của Mỹ nếu Washington từ chối giải quyết các mối quan tâm chính mà Berlin và Paris lên tiếng, nguồn thạo tin của Politico cho hay.
Đầu tháng này, ông Scholz đã nói công khai rằng châu Âu sẽ phải thảo luận về Đạo luật Giảm lạm phát với phía Mỹ. Tuy nhiên, trước khi đưa ra những biện pháp đáp trả mạnh mẽ, cả ông Scholz và Macron đều muốn đạt được giải pháp thương lượng với Washington.
Thông qua cuộc họp giữa Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Mike Pyle vào hôm 25.10, một nhóm chuyên trách giữa Mỹ và EU đã được thành lập nhằm giải quyết các vấn đề liên quan tới Đạo luật Giảm phát của Mỹ. Các quan chức hai bên sẽ có buổi hội đàm trực tuyến vào cuối tuần tới.
Các bộ trưởng thương mại EU cũng sẽ tụ họp cho một cuộc họp không chính thức ở Prague (Cộng hòa Czech) vào ngày 31.10 tới cùng với đặc phái viên thương mại Mỹ Katherine Tai để thảo luận về những căng thẳng.
"Mọi biện pháp chúng tôi thực hiện cần phải phù hợp với các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Châu Âu và Mỹ nên giải quyết những khác biệt thông qua đàm phán và không nên đi vào các biện pháp chiến tranh thương mại "ăn miếng trả miếng"”, một quan chức của Ủy ban châu Âu cho biết.