Tương lai quan hệ kinh tế Mỹ - Trung chưa rõ ràng
Chuyển động - Ngày đăng : 12:10, 29/10/2022
“Đây là vấn đề mọi người đang quan tâm, không chỉ ỡ lĩnh vực thương mại mà là toàn bộ mối quan hệ. Tôi nghĩ rằng phải chờ đợi và hiện còn chờ làm rõ”, đại diện Tai nói với trang Bloomberg. Bà khẳng định sẽ tiếp tục bảo vệ lợi ích Mỹ cho đến khi Trung Quốc tiến hành cải cách.
Trong 4 tháng tới, người thay mặt Trung Quốc làm việc với Đại diện Tai vẫn là Phó thủ tướng Lưu Hạc. Tuy nhiên, ông Hạc đã không còn nằm trong Bộ Chính trị trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc và chưa rõ ai là quan chức thay thế phụ trách công việc này. Quá trình đàm phán thỏa thuận thương mại giữa hai nước vẫn chưa đạt tiến triển gì.
Đại diện Tai cho biết do Trung Quốc đang tiến hành thay đổi nhân vật cấp lãnh đạo nên mọi thứ rất khó đoán. Mỹ chuẩn bị sẵn cho cả tình huống phía Bắc Kinh chấp nhận thực hiện nhiều cải cách mang tính kinh tế thị trường hơn lẫn tình huống Bắc Kinh giữ nguyên lập trường không chịu cải cách.
Tại đại hội đảng lần thứ 20 vừa diễn ra, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình yêu cầu thúc đẩy các chính sách giúp đất nước tăng cường khả năng tự chủ trong công nghệ cùng nhiều lĩnh vực khác.
Chính quyền Tổng thống Biden hiện vẫn duy trì loạt thuế quan thuộc thỏa thuận thương mại giai đoạn một mà người tiền nhiệm Donald Trump đạt được với Trung Quốc, đồng thời ban hành thêm không ít hạn chế nhằm kiềm chế đối thủ châu Á.
Nhân sự mới của Trung Quốc có một số thay đổi đáng chú ý: Bộ Chính trị khóa XX có tên Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bất chấp có dự đoán ông sẽ về hưu vì đã 69 tuổi, trong khi đó nhà ngoại giao phụ trách quan hệ Trung - Mỹ lâu năm là Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại trung ương Dương Khiết Trì lại không có tên, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tần Cương nằm trong Ban Chấp hành trung ương.
Giáo sư Dương Đại Lợi (Đại học Chicago, Mỹ) cho biết ông Tần Cương sau khi đảm nhiệm vị trí Đại sứ Trung Quốc đã rất tích cực tiếp xúc với giới doanh nghiệp và nhiều tầng lớp xã hội Mỹ, còn Ngoại trưởng Vương Nghị trong một chuyến thăm New York gần đây bày tỏ mong muốn quan hệ cạnh tranh gay gắt giữa hai nước sẽ dịu đi.
“Tôi nghĩ có cơ hội giảm căng thẳng trong bối cảnh Trung Quốc phải đối mặt với thách thức giữ vững tăng trưởng kinh tế”, theo Giáo sư Dương.