Hơn 122 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 10 tháng

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 12:57, 29/10/2022

Trong 10 tháng của năm 2022, số doanh nghiệp rút lui khỏi hoạt động sản xuất, kinh doanh là 122,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 25,8%; bình quân một tháng có 12,2 nghìn doanh nghiệp dừng hoạt động.

10 tháng, 122 nghìn doanh nghiệp đóng cửa

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT), trong tháng 10, cả nước có hơn 13 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 13,6% so với tháng trước và tăng 58,3% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, cả nước còn có 3,9 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 23,7% so với tháng trước và giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2021; có 4.058 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 38,3% và tăng 16,2%; có 4.200 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 0,3% và tăng 37,8%; có 1.602 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,7% và tăng 98,8%.

Tính chung 10 tháng năm 2022, cả nước có 178,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 17,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Số doanh nghiệp rút lui khỏi hoạt động sản xuất, kinh doanh là 122,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 25,8%; bình quân một tháng có 12,2 nghìn doanh nghiệp dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

FDI giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20.10 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 22,46 tỉ USD, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 10 tháng năm 2022 ước tính đạt 17,45 tỉ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 10 tháng trong 5 năm qua.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 10 tháng năm 2022 có 90 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 390,1 triệu USD, gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm trước; có 19 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 61,9 triệu USD, giảm 85,5%.

doanh-nghiep.jpg
10 tháng, 122 nghìn doanh nghiệp dừng hoạt động

Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 452,1 triệu USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước.

CPI bình quân 10 tháng tăng 2,89%

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng năm 2022 tăng 2,89% so với cùng kỳ năm 2021.

Nguyên nhân là trong 10 tháng năm nay, giá xăng dầu được điều chỉnh 28 đợt, trong đó có 12 đợt giảm giá, làm cho giá xăng A95 giảm 950 đồng/lít so với cuối năm 2021; xăng E5 giảm 1.060 đồng/lít; giá dầu diezen tăng 7.210 đồng/lít; dầu hỏa tăng 7.150 đồng/lít.

Tuy nhiên, tính bình quân 10 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước, giá xăng dầu trong nước tăng 36,01%, tác động làm CPI chung tăng 1,3 điểm phần trăm.

Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, giá gas 10 tháng năm nay tăng 15,35% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,22 điểm phần trăm.

Dịch COVID-19 được kiểm soát, nhu cầu ăn ngoài nhà hàng tăng nên giá ăn uống ngoài gia đình bình quân 10 tháng tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,4 điểm phần trăm.

Nhà ở và vật liệu xây dựng 10 tháng năm nay tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, tác động làm CPI chung tăng 0,46 điểm phần trăm.

Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu làm cho giá gạo 10 tháng tăng 1,16% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm; Giá các mặt hàng thực phẩm 10 tháng năm 2022 tăng 0,95% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI tăng 0,2 điểm phần trăm.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết một số nguyên nhân làm giảm CPI trong 10 tháng năm 2022.

Cụ thể, giá dịch vụ giáo dục giảm 0,61% do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn giảm học phí năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, làm CPI chung giảm 0,03 điểm phần trăm; Giá bưu chính viễn thông giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước do giá điện thoại di động giảm.

Để chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng, trong thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội.

Lạm phát cơ bản tháng 10 tăng 0,45% so với tháng trước, tăng 4,47% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung chủ yếu do giá xăng dầu là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng CPI trong tháng 10 năm nay thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.

Bình quân 10 tháng năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 2,14% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,89%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm và giá xăng, dầu.

Hoài Lam