Phụ huynh Indonesia lo lắng sau bê bối chất cấm trong siro ho
Quốc tế - Ngày đăng : 10:57, 30/10/2022
Hai chất trên được xác định là nguyên nhân khiến số ca tổn thương thận cấp (AKI) ở trẻ em tăng cao thời gian qua. Cơ quan quản lý Thực phẩm - Dược phẩm Indonesia (BPOM) ngày 20.10 thông báo phát hiện ít nhất 5 sản phẩm - 3 siro hạ sốt cùng 2 siro ho - có lượng diethylene glycol và ethylene glycol ở mức không an toàn.
Mặc dù sau đó giới chức công bố danh sách 133 loại siro đủ an toàn để sử dụng, lệnh cấm mà Bộ Y tế Indonesia ban hành tuần trước vẫn khiến các bậc phụ huynh nước này thấy lo lắng.
Người mẹ hai con Lenny Kurniawati cho biết: “Tôi vứt ngay mọi loại siro của mình. Tôi chẳng quan tâm chúng có nằm trong số 5 loại không an toàn bị thu hồi hay không”.
Một người mẹ khác là cô Citra Dewi còn mạnh tay hơn: “Tôi bỏ tất cả thuốc, bất kể siro hay thuốc dạng viên. Làm sao chắc chắc chúng an toàn chứ?”.
Dewi quyết không cho con uống bất cứ loại thuốc nào, ít nhất là trong lúc này. Thay vào đó cô sẽ dùng chườm lạnh hoặc thảo dược.
“Chúng tôi mua thuốc vì chính phủ nói chúng an toàn. Vậy mà sau đó họ thừa nhận vài loại không an toàn, chúng tôi thực sự mất lòng tin vào cách đánh giá và quản lý dược phẩm ở Indonesia”, Dewi chia sẻ.
Không như Dewei, Kurniawati vẫn tin vào thuốc do bác sĩ kê đơn: “Đây là khoảng thời gian khó khăn cho các bậc phụ huynh Indonesia. Chúng tôi vẫn còn sống trong đại dịch COVID-19, lại đang đón mùa mưa lúc mọi người dễ đổ bệnh hơn. Vậy mà không thể chắc chắn 100% loại thuốc nào an toàn để sử dụng”.
Bộ Y tế Indonesia ngày 27.10 thông báo phát hiện hơn 260 trẻ em (có trẻ mới 6 tháng tuổi) bị AKI, trong đó 157 trường hợp đã tử vong. Nhiều chuyên gia lo ngại con số thực tế cao hơn nhiều.
Indonesia bắt đầu kiểm tra siro bán tại nước này sau khi giới chức Gambia phát hiện mối liên hệ giữa các ca AKI trong nước với 4 loại siro sản xuất ở Ấn Độ.
4 loại siro nhập khẩu Gambia không bán tại Indonesia, nhưng ca AKI ở cả hai nước đều có dấu vết của ethylene glycol và diethylene glycol.
Ethylene glycol và diethylene glycol không màu không mùi, có thể gây chết người dù chỉ lượng nhỏ. Nếu đưa vào cơ thể sẽ gây co thắt dạ dày, buồn nôn cũng như phá hoại thận, gan, hệ thần kinh trung ương.
Hai chất được ứng dụng rộng rãi trong công nghiệp, nhưng giới chức Indonesia khẳng định thuốc không được chứa chúng. Giám đốc BPOM Penny Lukito đặt giả thuyết dung môi dùng cho siro không sạch sẽ mà mang tạp chất gồm ethylene glycol và diethylene glycol.
Chuyên gia y tế công Windhu Purnomo thuộc đại học Airlangga nhận định: “BPOM cần siết chặt quy trình quản lý. Họ phải đảm bảo không chỉ quá trình sản xuất mà cả vận chuyển, bảo quản trước khi bán tuân thủ mọi yêu cầu an toàn”.
Giám đốc Lukito thừa nhận BPOM không thường xuyên kiểm tra dược phẩm để phát hiện chất cấm. Hoạt động kiểm tra thường chỉ diễn ra lúc xảy ra tình huống đặc biệt chẳng hạn như số ca AKI tăng đột biến thời gian qua.
“Trong tương lai chúng tôi sẽ tăng cường giám sát sản phẩm trước lẫn sau lúc tung ra thị trường”, theo giám đốc Lukito.
Hiện một số ca AKI phản ứng tốt với fomepizole – thuốc điều trị ngộ độc ethylene glycol và diethylene glycol. Chính phủ Indonesia đang tìm cách nhập thuốc này từ Mỹ và Nhật Bản, mọi chi phí do nhà nước chi trả.