Tự chủ đại học gắn liền với trách nhiệm của nhà trường, sinh viên và xã hội
Giáo dục - Ngày đăng : 18:35, 30/10/2022
Để tự chủ đại học là thực chất
Hiện nay, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước là cho các cơ sở giáo dục ĐH tiến hành tự chủ. Trong sự tự chủ đó, nhà trường sẽ thực hiện các vấn đề như tự trả lương, tự chi trả học phí, mua sắm vật tư, đồng thời tăng chất lượng giảng dạy của giáo viên và sinh viên trong thực hành, thực tập...
Theo PGS-TS Ngô Như Khoa (Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp, Thái Nguyên), hiện nay nhà trường từng bước triển khai tự chủ ĐH trong mô hình ĐH 2 cấp. Hằng năm, hội đồng trường quyết định các nhiệm vụ theo thẩm quyền như: Xây dựng kế hoạch trọng tâm, phương hướng mở ngành, liên kết đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ; các chính sách đảm bảo chất lượng giáo dục, dự toán ngân sách, quyết toán kinh phí… Mặc dù tự chủ ĐH đúng quy luật tự nhiên, phù hợp với xu hướng phát triển, nhưng nhiệm vụ này còn có nhiều khó khăn và thách thức với các trường.
"Trong đó, khó khăn chủ yếu tập trung vào các vấn đề: Một số văn bản chưa đồng bộ giữa các bộ ngành. Luật Giáo dục ĐH sửa đổi cho phép trường công lập huy động nguồn lực xã hội hóa, tuy nhiên các văn bản mới chỉ mang tính pháp quy của Nhà nước. Nguồn lực tài chính của nhà trường chủ yếu từ học phí nên chỉ đáp ứng được kinh phí chi thường xuyên ở mức hạn hẹp. Trường gần như không bố trí được nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, dẫn đến sức thu hút người học giảm, khó cạnh tranh với trường khác trên cả nước" - ông Khoa chia sẻ.
Tự chủ ĐH là điều kiện cần thiết để thực hiện các phương thức quản trị ĐH nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo. Triển khai cơ chế tự chủ, các cơ sở giáo dục ĐH sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn, từ việc đầu tư nghiên cứu khoa học đến đổi mới chương trình, qua đó chủ động, linh hoạt, sáng tạo và từng bước khẳng định vị thế, nâng tầm thương hiệu.
Về vấn đề tự chủ ĐH, TS Nguyễn Thị Mai Lan cho biết hiện nay điều này không còn mới ở Việt Nam nhưng vẫn chưa được thực hiện đúng bản chất vì nhiều trường vẫn hiểu tự chủ là tự đảm bảo kinh phí. Tuy nhiên tự chủ là vấn đề tự quyết và tự chịu trách nhiệm về các hoạt động giáo dục của mình; đồng thời cũng để hệ thống nội bộ phân quyền, trách nhiệm, giải trình tốt hơn khi có một vấn đề nào đó liên quan đến hoạt động trường. Ở Việt Nam đã có chủ trương, quy định khá rõ về tự chủ nhưng thực thi, tổ chức thực hiện chưa thực sự thực chất, còn thực hiện một cách hình thức. “Tự chủ” được hiểu là một quyền đương nhiên, là đặc điểm vốn có, tự trong chính khả năng, nội lực của mỗi trường ĐH, chỉ phụ thuộc vào năng lực tự chủ và các điều kiện thực hiện quyền tự chủ chứ không phải từ bất kỳ một cá nhân hay cơ quan, tổ chức bên ngoài trường và bên trên trường ĐH.
PGS-TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương thì cho rằng hiện nay một số ngành nghề đào tạo còn có những điểm khúc mắc trong việc tự chủ. Thực tiễn triển khai tự chủ ĐH ở Việt Nam đã bộ lộ nhiều hạn chế vì chưa xây dựng được một lộ trình tự chủ ĐH rõ ràng và còn thiếu những hướng dẫn cụ thể trong triển khai. Trong khi các cơ sở giáo dục ĐH công lập tự chủ chịu nhiều ràng buộc và bị kiểm soát theo các quy định hiện hành thì các trường tư thục hầu như vận hành theo cơ chế thị trường với ít ràng buộc hơn. Thực tiễn cho thấy có nhiều xu hướng đối lập nhau trong quá trình tự chủ ĐH. Nhiều trường chưa đủ năng lực thực hiện tự chủ, quen với cơ chế xin-cho, quen được cầm tay chỉ việc, không phát huy được tự chủ do "sợ làm sai".
"Trong khi đó, cũng có trường lại nghĩ đơn giản "tự chủ nghĩa là muốn làm gì cũng được" không tuân thủ các quy định của pháp luật. Vẫn còn có sự khác biệt trong cách thức quản lý của cơ quan chủ quản đối với cơ sở giáo dục ĐH. Có cơ quan chủ quản can thiệp quá sâu vào hoạt động của cơ sở giáo dục ĐH. "Quan trọng hơn hết là các cơ chế, chính sách hiện nay vẫn theo hướng cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát các cơ sở giáo dục ĐH. Các cơ quan chủ quản vẫn tồn tại và vẫn có thể can thiệp vào các công việc của các cơ sở giáo dục ĐH như thiết lập bộ máy quản lý, nhân sự và đầu tư" - ông Tuấn trao đổi.
Nhiều trường ĐH vẫn quan niệm tự chủ ĐH là phải tăng học phí, tuy nhiên việc tăng học phí không đi kèm với chất lượng giáo dục sẽ là con đường không được nhiều học sinh lựa chọn. Nhiều sinh viên cho rằng nếu biết trường mà mình đang theo học sẽ tăng học phí thì sẽ không nhập học. Giờ đã vào trường rồi thì ở cũng khó mà đi cũng không xong. Đặc biệt hiện nay các trường kinh tế, y dược tăng học phí cao và đột ngột. Người ta bảo rằng cứ đà này thì chỉ sinh viên "có điều kiện" mới học ngành y, hoặc những ngành "hot" nhất trong các trường ĐH; còn con nhà nghèo, dù có muốn cũng đành ngậm ngùi đứng ngoài. Khi các trường tiến hành tự chủ, nguồn kinh phí chi thường xuyên bao cấp của Nhà nước sẽ bị cắt. Để có kinh phí tiếp tục thực hiện các hoạt động đào tạo, các trường ĐH sẽ buộc phải tăng học phí.
Một số chuyên gia giáo dục đồng thời cũng là hiệu trưởng trường ĐH cho rằng nếu không tăng học phí tại trường thì áp lực với nhà trường là rất lớn, vì làm sao giữ chân được giảng viên, đặc biệt là giảng viên giỏi. Nhà trường chuyển sang chế độ tự chủ nhưng cũng phải gặp nhiều loại chi phí vẫn phải áp dụng luật quản lý tài sản công theo luật ngân sách nhà nước.
Về vấn đề này, PGS-TS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng các sinh viên nên chấp nhận việc tăng học phí ĐH như cuộc đầu tư cho tương lai. Trước sau thì 100% các trường ĐH sẽ được giao quyền tự chủ và áp dụng mức thu học phí mới. Cần đẩy nhanh xu hướng tự chủ ĐH để tránh những bất hợp lý trong hệ thống giáo dục, đồng thời những trường có danh tiếng cũng như giảng viên giỏi sẽ đông sinh viên theo học. Tạo ra cơ chế cạnh tranh công bằng ở các trường. Rõ ràng việc tăng học phí sẽ là một gánh nặng lớn với sinh viên nhưng không tăng học phí thì không thể có chất lượng cao trong đào tạo. Vì thế dù mục đích tự chủ ĐH là nâng cao chất lượng nhưng nguồn lực hạn chế là khó khăn, thách thức của nhiều cơ sở giáo dục ĐH công lập.
Sinh viên có được hưởng lợi?
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, hầu hết các cơ sở giáo dục ĐH tham gia thí điểm tự chủ ĐH đều có những bứt phá về chất lượng đào tạo, tạo diện mạo mới cho nền giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều cơ sở chưa có chuyển biến về chất lượng đào tạo, sinh viên còn thiếu kỹ năng, tỷ lệ tuyển sinh ở một số trường thấp…
Trước đó, để tháo gỡ căn bản những “điểm nghẽn” trong quá trình tự chủ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn đề xuất Quốc hội, Chính phủ rà soát, từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản đồng bộ cho việc thực hiện cơ chế tự chủ, đồng thời tăng tỷ trọng đầu tư ngân sách nhà nước cho giáo dục ĐH. Bộ GD-ĐT có cơ chế giám sát các cơ sở giáo dục thực hiện việc tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, coi trọng trách nhiệm giải trình với người học, với xã hội về chính sách chất lượng và cam kết bảo đảm chất lượng; công khai điều kiện bảo đảm chất lượng, kết quả kiểm định, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm...
Mặt trái của việc tăng học phí có thể làm giảm cơ hội được đến trường ĐH của các em hoàn cảnh gia đình khó khăn, làm chậm quá trình mở rộng quy mô đào tạo nhân lực trình độ ĐH, tác động lớn đến tâm lý và sự lựa chọn ngành nghề của sinh viên.
Hiện đa số trường theo hướng tự chủ đều tăng học phí để đổi mới chất lượng đào tạo. Tự chủ ĐH đặt ra cho lãnh đạo nhà trường bài toán cân đối tài chính trong phát triển. Tuy nhiên việc tăng học phí một cách nhanh chóng không phải là bài toán phát triển tự chủ ở tất cả các trường. PGS-TS Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết trường sẽ tăng học phí ở mức độ vừa phải để đảm bảo đầu tư cho giáo dục, đảm bảo tính đúng tính đủ cho việc học tập của sinh viên. Ngoài ra, việc huy động nguồn kinh phí từ các dự án tài trợ của Chính phủ, các tổ chức quốc tế, các dự án nghiên cứu… sẽ làm cho tài chính của nhà trường vững mạnh, không phải chỉ trông chờ vào nguồn học phí. Từ đó, nhà trường sẽ luôn có quỹ học bổng hỗ trợ sinh viên hoàn cảnh khó khăn hoặc có năng lực đặc biệt, dành 5-10% học phí để làm quỹ học bổng cho sinh viên.
"Điều quan trọng là cần nâng cao chất lượng đào tạo, kết hợp với trách nhiệm của nhà trường và người học để đào tạo ra những kỹ sư, cử nhân tương lai có năng lực, có khả năng kiếm tiền để bù đắp vào mức học phí đã đóng. Ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, năm 2016 chúng tôi bắt đầu một chương trình đào tạo kỹ sư công nghệ thông tin Việt - Nhật có mức học phí gấp 2,5 lần bình thường. Đầu tiên, nhiều người e dè và không muốn học. Nhưng lứa đầu tiên ra trường có 30% đi làm tại Nhật Bản và chỉ sau 1 năm, mức lương của các em có thể bù lại học phí đã đóng trong 5 năm” - ông Thắng cho hay.
Hiện nay, tổng kinh phí đầu tư cho một sinh viên ở ta còn rất thấp so với mặt bằng chung của thế giới. Muốn nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, cần nâng cao mức đầu tư cho sinh viên, thông qua việc đầu tư vào cơ sở vật chất, thu hút đội ngũ giảng viên giỏi. Một số trường ĐH trong khu vực có mức chi phí cao gấp hàng chục lần so với chi phí tại các trường ĐH công lập Việt Nam. Nếu giữ nguyên mức đầu tư như hiện nay, các trường ĐH trong nước rất khó cạnh tranh. Ngoài ra, người học, gia đình, xã hội cũng phải nhận thức được rằng đầu tư cho giáo dục ĐH thì mỗi gia đình, mỗi sinh viên cũng cần có sự đầu tư để được hưởng lợi sau này. Đồng thời, nhà nước phải có chính sách hỗ trợ người học thông qua cơ chế tín dụng.
Nhiều trường tự chủ ĐH đã tích cực tìm kiếm cho sinh viên các nguồn lực ngoài để các sinh viên có thể thực hành luôn, trợ giảng, phục vụ thí nghiệm, thư viện... nhằm tăng cường sinh viên thực tập có hưởng lương từ các doanh nghiệp ký kết với nhà trường, giảm chi phí khi quản trị vận hành nhà trường.
Cũng nói về lợi ích cho người học, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng tự chủ ĐH phải gắn liền với trách nhiệm của trường với sinh viên và xã hội. Khác với các loại hình dịch vụ khác, giáo dục ĐH là quá trình dài nhiều năm. Do đó, trách nhiệm của trường ĐH với sinh viên không chỉ là đầu ra mà phải đảm bảo cả chất lượng trong quá trình đào tạo. "Chúng ta phải quan tâm hơn nữa đến chất lượng phục vụ, trách nhiệm giải trình và tăng khả năng tìm kiếm việc làm với người học", ông Sơn nói.