Bộ Tài chính nói gì về việc Hải quan không cho DN nhập xăng dầu?
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 23:00, 30/10/2022
Cụ thể, Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil cho biết doanh nghiệp đã bị Hải quan và Cục Thuế TP.HCM dừng hoạt động nhập khẩu kéo dài từ gần 6 tháng nay với lý do nợ thuế bảo vệ môi trường xăng dầu kéo dài. Việc bị cấm nhập này xuất phát từ yêu cầu của chính Hải quan chứ không phải công ty không thực hiện việc nhập khẩu.
Về việc này, Bộ Tài chính giải thích, hiện nay, công ty có phát sinh số tiền thuế quá hạn nộp (số tiền cưỡng chế là 684.420.492.218 đồng) nên Cục Thuế TP.HCM đã đề nghị cơ quan Hải quan tạm dừng thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của công ty theo quy định.
Như vậy, doanh nghiệp đã vi phạm quy định của pháp luật và việc dừng làm thủ tục của cơ quan Hải quan là đúng quy định, đảm bảo tránh nguy cơ thất thu thuế của nhà nước theo quy định pháp luật về quản lý thuế. Để được giải quyết thủ tục tiếp tục xuất nhập khẩu xăng dầu, đề nghị công ty liên hệ cơ quan thuế để xử lý số tiền thuế nợ phát sinh và nộp đủ vào ngân sách nhà nước.
Về phản ánh của Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí Nam Sông Hậu: "Ngày 15.8.2022, Tổng cục Hải quan có văn bản tạm đình chỉ hoạt động làm thủ tục hải quan các kho xăng dầu trong đó có Nam Sông Hậu tới 6 tháng. Nếu trong thời gian này không bổ sung thiết bị đo bồn bể tự động thì sẽ thu hồi luôn giấy phép. Tổng cục Hải quan không cho doanh nghiệp nhập, nhưng lại báo cáo Bộ Tài chính nói doanh nghiệp không nhập xăng dầu..."
Bộ Tài chính lý giải, Theo quy định của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan thì đến ngày 10.8.2022, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhập khẩu phải thực hiện trang bị và kết nối thiết bị đo mức bồn bể tự động kết nối trực tuyến số lượng xăng dầu xuất/nhập/tồn kho với cơ quan Hải quan để kiểm soát buôn lậu, trốn thuế.
Để chuẩn bị cho việc lắp đặt và kết nối thiết bị đo mức bồn bể tự động, các doanh nghiệp cũng đã có 2 năm để thực hiện, đồng thời Tổng cục Hải quan đã ban hành các văn bản để tuyên truyền, phổ biến đến từng doanh nghiệp về thời hạn lắp đặt thiết bị đo bồn bể tự động theo quy định. Đối với trường hợp Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu, do Tổng kho xăng dầu Nam Sông Hậu không đáp ứng điều kiện về việc lắp đặt và kết nối thiết bị đo mức bồn bể tự động nên công ty không đủ điều kiện để nhập khẩu xăng dầu.
Như vậy, các vướng mắc của một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nêu trên là do chưa thực hiện đúng, đủ các quy định của pháp luật hiện hành, các doanh nghiệp nhập khẩu khác vẫn thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và không phát sinh vướng mắc. Ngày 18.10 vừa qua, Tổng cục Hải quan có công văn gửi Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu thông tin đến 2 công ty về việc dừng làm thủ tục của cơ quan Hải quan là đúng quy định pháp luật.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp cũng tố bị Hải quan gây khó dễ trong việc nhập khẩu xăng dầu. Cụ thể, có doanh nghiệp cho rằng, thị trường xăng dầu hiện nay không hề thiếu. Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho các doanh nghiệp xăng dầu không nhập khẩu kéo theo nguồn cung thị trường bị ảnh hưởng khiến thị trường rối loạn khi các doanh nghiệp đồng loạt bị lỗ kéo dài.
Trước những khó khăn với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, ông Nguyễn Văn Truyền - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính - cho rằng, thời gian vừa qua, Bộ Tài chính cũng đưa ra một số chính sách nhất định để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên trên thực tế có phát sinh thêm như tiền thuê đất, nhân công,... vì vậy, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cùng Vụ Thị trường trong nước nghiên cứu những đề xuất và thời hạn điều chỉnh để có biện pháp tháo gỡ khó khăn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nêu rõ, hiện nay, vấn đề quan trọng nhất là nguồn cung. Theo ông Hải, hiện nguồn trong nước đang chiếm 70-80%, tức là vẫn phải nhập khẩu 20-30% nhưng nguồn cung từ nước ngoài về Việt Nam lại gặp rất nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã thua lỗ trong thời gian dài nên phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong đó có việc phải tính đúng, tính đủ chi phí thực tế của doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, tăng nguồn lực để nhập khẩu, mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước cũng như nước ngoài, bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường.