Nhật Bản nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính, chấm 3 sao cho nông sản
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 12:59, 31/10/2022
Nỗ lực này nhằm thay đổi nhận thức, hướng đến bảo vệ môi trường nơi người tiêu dùng, giúp họ khi mua hàng sẽ hình dung nỗ lực khử carbon của nhà sản xuất nông sản.
Trong hệ thống xếp loại do Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản lập, nông sản sẽ được xếp loại sao tùy theo tỷ lệ kéo giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất.
Nếu tỷ lệ đạt từ 5% đến 10% thì được chấm 1 sao; từ 10% đến 20% được 2 sao và từ 20% trở lên thì được 3 sao. Các hình ảnh sao sẽ hiển hiện trên nhãn ghi giá và tờ bướm giới thiệu sản phẩm.
Nỗ lực khử carbon của nhà sản xuất sẽ được thể hiện bằng dữ liệu và hình ảnh sao.
Bộ Nông nghiệp Nhật cũng đưa ra một bảng tính đơn giản để tính toán tỷ lệ giảm phát thải CO2. Cách làm đơn giản như sau, người sản xuất sẽ nhập vào bảng trên máy tính: loại nông sản, diện tích trồng trọt, lượng nhiên liệu, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, nhựa và các vật liệu khác mà họ sử dụng. Sau đó, tỷ lệ sẽ được tính toán từ việc so sánh với lượng phát thải trong các phương pháp nông nghiệp tiêu chuẩn được sử dụng.
Bộ Nông nghiệp ủng hộ các nỗ lực bảo vệ môi trường, như xây nhà kính sử dụng năng lượng mặt trời hoặc dùng phân để trồng cây lương thực trên các cánh đồng. Bộ cũng dự kiến những nỗ lực đó sẽ được phản ánh trong bảng tính toán.
3 loại nông sản gồm: gạo, cà chua, dưa chuột - hiện được bán theo diện xếp loại sao tại 10 siêu thị và cửa hàng ăn ở Tokyo, các tỉnh Osaka và Shiga theo dạng thí điểm.
Bằng cách kiểm tra tính hiệu quả của chương trình thông qua khảo sát cùng các biện pháp khác, Bộ Nông nghiệp Nhật nhắm đến việc tăng số nông sản thân thiện môi trường lên 20 loại từ cuối năm 2022, và sẽ tăng dần số cửa hàng bán các nông sản này.
Chương trình xếp loại 3 sao cũng sẽ được áp dụng đối với thịt gia súc, nhằm đưa hệ thống nông sản thân thiện môi trường phổ biến khắp Nhật trong năm tài khóa 2025.
Theo Bộ Nông nghiệp Nhật, nông-lâm nghiệp chiếm 23% lượng thải phát khí nhà kính cấp toàn cầu, tức tương đương 30 tỉ tấn carbon dioxide/năm.
Năm 2022, Bộ đã lập khung pháp lý để thực hiện “Chiến lược Hệ thống Lương thực Bền vững”, nhằm cải thiện sản lượng và kéo giảm tác động của môi trường lên các lĩnh vực nông-lâm nghiệp và thủy sản.
Với chiến lược này, Bộ nhắm đạt các mục tiêu ở các lĩnh vực trên từ năm 2050, như kéo giảm lượng thải phát khí CO2 từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch xuống bằng 0, giảm sử dụng phân hóa học xuống còn 30% và tăng tổng diện tích cây trồng hữu cơ lên 1 triệu ha.
Để đạt được mục tiêu đó, Bộ quyết định tạo hệ thống xếp loại 3 sao, để người tiêu dùng hiểu được giá trị của nông sản thân thiện môi trường, cùng việc cần chia sẻ với gánh nặng của nhà sản xuất trong trường hợp tăng giá bán nếu chi phí tăng.
Trong một cuộc thăm dò về các xu hướng hồi tháng 7 của tổ chức Japan Finance Corporation, 4% trong 2.000 người được hỏi đã cho biết họ mua nông sản và lương thực thân thiện môi trường mà không quan tâm đến giá bán, trong khi 34% cho biết, họ chỉ thỉnh thoảng mua các sản phẩm này, ngay cả khi chúng có giá bán khá cao.
Trong số người được hỏi ở độ tuổi 20, có hơn 7% cho biết họ không quan tâm giá bán. Tỷ lệ này cao hơn nhóm tham gia khảo sát trong độ tuổi 40 - 50 vốn chỉ chiếm chưa tới 3% trong tổng số người tham gia.
Trong những năm gần đây, Liên minh châu Âu và Mỹ đã lập các chiến lược kéo giảm lượng phát thải khí nhà kính, bao gồm cả sản xuất lương thực thân thiện môi trường.