Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng hơn 2 lần

Sự kiện - Ngày đăng : 10:42, 01/11/2022

Nếu như vào năm 2009 - năm đầu thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động chỉ có gần 6 triệu người thì đến hết năm 2021 đã có đến 13,4 triệu người, tăng đến hơn 2 lần.

Thông tin trên được ông Trần Đình Liệu - Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam chia sẻ tại Lễ tôn vinh doanh nghiệp tiêu biểu trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp lần thứ 1 giai đoạn 2017-2021 vào chiều 31.10.

nguoi-lao-dong-tham-gia-bao-hiem-that-nghiep-tang-gap-hon-2-lan-hinh-anh(1).png
Người lao động được nghe phổ biến về chính sách bảo hiểm thất nghiệp - Ảnh: PV 

Theo ông Trần Đình Liệu, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đang ngày một được củng cố, đặc biệt ngay cả trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, diện bao phủ BHXH, BHYT vẫn tiếp tục được mở rộng.

Số người tham gia BHXH bắt buộc tăng từ 2,3 triệu người năm 1995 lên trên 16,5 triệu người vào năm 2021 (gấp 7,2 lần so với năm 1995, bình quân mỗi năm tăng gần 0,9 triệu người). Số người tham gia BHXH tự nguyện tăng từ 6 nghìn người năm 2008 lên 1,45 triệu người vào năm 2021 (gấp 241,7 lần so với năm 2008, bình quân mỗi năm tăng trên 100 nghìn người).

Đặc biệt, số người tham gia BHTN tăng từ gần 6 triệu người năm 2009 - năm đầu tiên thực hiện BHTN lên 13,4 triệu người vào năm 2021, tăng gấp 2,24 lần so với năm 2009, bình quân mỗi năm tăng 0,6 triệu người. Số người tham gia BHYT tăng từ 7,1 triệu người năm 1995 lên 88,8 triệu người vào năm 2021, tăng gấp 12,5 lần so với năm 1995, bình quân mỗi năm tăng hơn 3 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số.

Đánh giá về công tác giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN, ông Liệu khẳng định đã được thực hiện kịp thời, đúng quy định.

Cụ thể từ năm 1995 đến hết năm 2021, ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết cho hơn 124,2 triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe (bình quân mỗi năm gần 5 triệu lượt người hưởng); từ năm 2010 đến hết năm 2021 giải quyết cho trên 7,68 triệu người hưởng các chế độ BHTN (gồm trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ học nghề);.

Đến cuối năm 2021, tổng số người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng khoảng 3,3 triệu người (tăng 179% so với năm 1995); từ năm 2003 đến 2021, toàn ngành đã phối hợp với các cơ sở y tế bảo đảm quyền lợi khám chữa bệnh BHYT cho trên 2.217 triệu lượt người.

Theo BHXH Việt Nam, hiện nay cả nước có khoảng 600 nghìn doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị đang tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho 15,1 triệu người lao động. Trong bối cảnh như vậy, việc doanh nghiệp thực hiện tốt các chính sách BHXH, BHYT, BHTN đã giúp người lao động được đảm bảo đầy đủ, kịp thời các quyền lợi, chế độ như: trợ cấp thất nghiệp, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, chế độ hưu trí, BHYT…

Trong suốt những năm qua đã có hàng trăm triệu lượt người lao động được thụ hưởng các chính sách này, góp phần giúp người lao động vượt qua khó khăn, đảm bảo và ổn định cuộc sống, cũng như được khám chữa bệnh kịp thời. Qua đó giúp người lao động yên tâm làm việc, cống hiến, gắn bó, đồng hành cùng doanh nghiệp, tiếp tục cống hiến xây dựng đất nước.

Trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, BHXH đã triển khai các gói hỗ trợ đến người lao động và người sử dụng lao động đúng - đủ - kịp thời - công khai - minh bạch. Cụ thể, chi trả 31.836 tỉ đồng trực tiếp bằng tiền từ nguồn quỹ BHTN cho trên 13,3 triệu lượt người lao động; thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; điều chỉnh giảm mức đóng vào quỹ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp và hỗ trợ đào tạo học nghề với tổng số tiền 15.428,2 tỉ đồng cho trên 739 nghìn lượt đơn vị sử dụng lao động.

Điều này đã góp phần giúp các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh và ổn định đời sống của người lao động, đồng thời đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT, BHTN.

Hồ Quang