Nga giải quyết được xung đột Armenia - Azerbaijan là tin không vui cho chiến lược của phương Tây
Quốc tế - Ngày đăng : 10:48, 01/11/2022
Trong tuyên bố chung ngày 31.10 sau Hội nghị thượng đỉnh Armenia, Azerbaijan và Nga ở thành phố Sochi (Nga), Armenia và Azerbaijan đã "nhất trí không sử dụng vũ lực" để giải quyết tranh chấp vùng lãnh thổ Nagorno-Karabkh. Cả Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cũng nhất trí "giải quyết tất cả các tranh chấp chỉ trên cơ sở công nhận chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của hai bên".
Hội nghị thượng đỉnh ba bên này được tiến hành theo sáng kiến của Nga, một tháng sau cuộc đụng độ tồi tệ nhất giữa Armenia và Azerbaijan kể từ cuộc chiến giữa hai nước này năm 2020. Tháng 9 vừa qua, xung đột đã bùng phát trở lại, khiến 286 người của cả hai bên thiệt mạng. Hai nước đã ký lệnh ngừng bắn ngày 14.9 sau hai ngày xung đột.
Việc Armenia và Azerbaijan đã "nhất trí không sử dụng vũ lực" để giải quyết tranh chấp là một tin vui nhưng việc nó diễn ra theo sáng kiến của Nga thì có thể khiến giới ngoại giao Mỹ không vui chút nào.
Còn nhớ vào 19.9, tại New York (Mỹ) đã diễn ra cuộc họp trực tiếp giữa Ngoại trưởng hai nước Armenia và Azerbaijan dưới dự chủ trì của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Tức là Mỹ cũng muốn tạo sáng kiến để giải quyết tranh chấp này để thể hiện vai trò ở lò lửa vùng Cacause.
Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh yêu cầu ngăn chặn những hành động thù địch leo thang giữa Armenia và Azerbaijan, đánh giá tích cực tình hình yên ả giữa hai nước trong những ngày qua. Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, từ lâu Mỹ luôn duy trì quan điểm rõ ràng rằng, giải pháp quân sự không thể giải quyết được xung đột giữa Armenia – Azerbaijan.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price, đó là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan và người đồng cấp Azerbaijan Jeyhun Bayramov kể từ khi hai bên giao tranh tại khu vực Nagorny-Karabakh trong thời gian gần đây.
Tại sự kiện, các bên đã thảo luận về các bước đi tiếp theo, song không nêu rõ nội dung cụ thể. Ông Price cho biết người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ khuyến khích hai người đồng cấp Armenia và Azerbaijan nhóm họp lần nữa trong tháng 9 nhưng rốt cuộc điều đó không xảy ra.
Thay vào đó đến tháng 10 thì 2 nguyên thủ Azerbaijan và Armenia đến Nga để nhất trí "giải quyết tất cả các tranh chấp chỉ trên cơ sở công nhận chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của hai bên". Như vậy, Nga vẫn thể hiện được ảnh hưởng tại khu vực.
Hồi tháng 9, Armenia đã bỏ qua cuộc tập trận 2 tuần do CSTO tổ chức ở Kazakhstan, sau khi chỉ trích khối này không công khai ủng hộ mình trong xung đột biên giới với Azerbaijan hồi tháng 9. Đó có vẻ như tín hiệu Armenia mất niềm tin vào Nga nhưng giờ thì niềm tin này đã được phục hồi.
Trong khi việc Tổng thống Azerbaijan Aliyev chịu đến Sochi cũng là thành công về mặt ngoại giao của Moscow. Trong cuộc chiến thổ Nagorno-Karabkh, Nga được cho là nghiêng về phía Armenia trong khi Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn Azerbaijan. Do vậy, có thể tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ cũng ủng hộ việc Azerbaijan tham gia sáng kiến của Nga để tìm kiếm hóa bình với Armenia.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang có những bước tiến vượt bậc trong việc tìm tiếng nói chung tại khu vực cho dù Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO. Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Kazakhstan ngày 13.10, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moscow có kế hoạch xuất khẩu nhiều khí đốt hơn thông qua Thổ Nhĩ Kỳ và biến Thổ Nhĩ Kỳ thành "trung tâm" cung ứng mới, trong nỗ lực nhằm duy trì đòn bẩy năng lượng của Nga đối với châu Âu. Ông ca ngợi Thổ Nhĩ Kỳ là con đường đáng tin cậy nhất để dẫn khí đốt từ Nga đến Liên minh châu Âu (EU) và nền tảng được đề xuất sẽ cho phép thiết lập giá cả mà không bị chính trị chi phối.
Thổ Nhĩ Kỳ dĩ nhiên hài lòng với sáng kiến này vì nó biến họ thành trung tâm năng lượng để có tiếng nói trong việc gây áp lực với EU. Hãng thông tấn Nga RIA dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hai nhà lãnh đạo đã ra lệnh nghiên cứu nhanh chóng và cụ thể ý tưởng này.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Nga khiến phương Tây không hài lòng và muốn Ankara thực hiện các lệnh trừng phạt kinh tế Moscow như các đồng minh NATO khác.
Theo Bloomberg, một phái đoàn Mỹ do Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Elizabeth Rosenberg dẫn đầu đã tới Thổ Nhĩ Kỳ hôm 19.10. Mục đích của chuyến thăm được nhận định để hối thúc chính quyền và các tập đoàn Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện các biện pháp trừng phạt kinh tế với Nga.
Nguồn tin cho biết phái đoàn Mỹ đã làm việc với Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ và đại diện các tập đoàn ở Ankara và Istanbul. Ngoài ra, bà Rosenberg cũng có cuộc thảo luận riêng với các quan chức Bộ Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ. Bà Rosenberg từng làm việc tại Bộ Tài chính Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Obama và đã soạn thảo các lệnh trừng phạt đối với Iran, Libya và Syria.
Nhưng kết quả gây áp lực đó rốt cuộc ra sao? Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 21.10 cáo buộc Mỹ đang "bắt nạt" đồng minh Arab Saudi, sau khi OPEC+ quyết định giảm sản lượng dầu bất chấp sự phản đối từ Washington. Ông Cavusoglu ra tuyên bố: "Chúng tôi nhận thấy có một quốc gia đã đe dọa Arab Saudi, đặc biệt là gần đây. Sự bắt nạt này không phù hợp. Chúng tôi không cho rằng Mỹ làm vậy để gây áp lực lên Saudi hay quốc gia khác là đúng. Cả thế giới cần dầu và khí đốt từ Venezuela. Ngoài ra, Iran cũng đang chịu cấm vận. Nếu muốn giá dầu giảm, hãy dỡ các lệnh trừng phạt với họ ".
Thổ Nhĩ Kỳ lên án Mỹ 2 điểm: thứ nhất là Mỹ đe dọa Saudi cũng chính là cách nói Washington đừng gây áp lực lên Ankara; thứ hai, Mỹ muốn giảm giá dầu thì đừng trừng phạt các nước Mỹ không thích. Một cách thẳng thắn thì Ankara đã đứng về phía Ả Rập Saudi trong việc chống lại việc để phương Tây thao túng thị trường dầu mỏ dù điều làm lợi cho Nga.
Và giờ thêm việc một đồng minh thân cận của Thổ Nhĩ Kỳ là Azerbaijan đến Nga giải quyết hòa bình với Armenia là tín hiệu cho thấy Moscow đã thiết lập được nền móng để xử lý khủng hoảng tại Nagorno-Karabkh, điều mà Washington đã thử nhưng không thành công hồi tháng 9. Và xa hơn, Nga đang thành lập được những đồng minh - đối tác tin cậy ở khu vực Iran – Syria – Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khối OPEC để tạo phe trong cuộc chơi năng lượng.