Giao mùa dễ nhiễm bệnh đường hô hấp, chuyên gia cảnh báo những biến chứng

Sự kiện - Ngày đăng : 10:11, 02/11/2022

Các bệnh về đường hô hấp hay sốt xuất huyết hiện nay đang có những diễn biến phức tạp, đăc biệt tại Hà Nội.

Các bệnh về đường hô hấp như cúm B, chân tay miệng, thủy đậu sốt xuất huyết... là những bệnh dễ bị chuyển biến nặng nếu như người bệnh không được theo dõi kịp thời. Đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết hiện nay đang được các chuyên gia y tế cảnh báo về những chuyển biến bất ngờ khi người bệnh chủ quan. 

Các bệnh về đường hô hấp cần được chăm sóc kỹ, tránh biến chứng xảy ra

Bộ Y tế cho biết, hàng năm Việt Nam vẫn ghi nhận từ 600.000 - 1.000.000 trường hợp mắc cúm mùa. Số mắc ghi nhận quanh năm và có xu hướng gia tăng vào thời điểm chuyển mùa hè - thu, đông - xuân. Hiện nay, miền Bắc đang ở thời điểm giao mùa, là cơ hội cho các vi rút gây hại phát triển. Triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác. Việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Trẻ em dễ thường mắc căn bệnh cúm B hoặc cúm A là bệnh viêm đường hô hấp gây nên bởi vi rút cúm. Gần đây nhất, cúm B được xác định là nguyên nhân gây ra ổ dịch tại tỉnh Bắc Kạn khiến hàng trăm trẻ phải nghỉ học. Thực tế cho thấy cúm B là một trong những chủng cúm mùa phổ biến ở nước ta và xảy ra hàng năm, hiện nay nhiều địa phương đã ghi nhận sự gia tăng của các bệnh hô hấp nói chung và cúm B nói riêng.

Các triệu chứng khi trẻ mắc cúm A hay B thường gặp bao gồm: Sốt, đau rát họng, ho khan, đau đầu, đau mỏi người, đau xương khớp, mệt mỏi cảm thấy kiệt sức. Trẻ em bị cúm cũng có thể có các triệu chứng tiêu hóa (buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy). Mặc dù một số triệu chứng cúm có thể tương tự như cảm lạnh, và đa số trẻ sẽ bình phục sau 1-2 tuần, tuy nhiên ho và mệt mỏi có thể kéo dài hơn 2 tuần.

viem-gan.jpg
Trẻ em rất dễ bị nhiễm bệnh khi giao mùa

Theo bác sĩ  Lê Trương Tuyết Minh - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, với các triệu chứng bị cảm cúm trên nên người bệnh dễ nhầm lẫn và chủ quan, dẫn đến các biến chứng khi mắc cúm B. Vì vậy, nếu có các biểu hiện nghi ngờ, cần đến ngay cơ sở y tế để điều trị kịp thời, tránh để bệnh kéo dài và nặng thêm, dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. 

Để phòng bệnh cúm B, A cũng như các bệnh lây nhiễm khác, người bệnh cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh nghi mắc cúm, tăng cường rửa tay, giữ vệ sinh hô hấp khi ho khạc. Tránh tập trung đông người khi có dịch xảy ra. Người khỏe cần phòng lây nhiễm từ người bệnh, cách ly người bệnh ở buồng riêng, thường xuyên làm sạch và khử khuẩn buồng bệnh, quần áo, dụng cụ của người bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết hiện nay có rất nhiều loại vi rút khác nhau gây nên các bệnh về đường hô hấp và cũng cho những biểu hiện ốm sốt giống nhau. "Trừ một số loại vi rút thì cần những phương pháp điều trị đặc biệt như viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết... thì đa số bệnh nhân hiện nay đều nhiễm các loại vi rút gây cúm, sốt. Về điều trị, bệnh nhân cần uống thuốc hạ sốt, bổ sung điện giải, dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý".

Các bệnh do vi rút gây ra thường xảy ra vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là thời tiết nóng ẩm hay nóng lạnh. Nguyên nhân là thời tiết nắng mưa thất thường, tạo điều kiện cho các loại vi rút gây bệnh phát triển mạnh. Đặc biệt với trẻ em, sức đề kháng còn yếu nên rất dễ mắc bệnh hơn người lớn. Nếu không xảy ra những biến chứng nguy hiểm trên, phần lớn bệnh nhân sẽ tự khỏi sau vài ngày. Người bệnh chỉ cần được hạ sốt khi sốt cao, uống thuốc ho, uống nhiều nước và nhất là nghỉ ngơi. Tuyệt đối không ra ngoài đi chơi, đi học... sau khi uống thuốc để tránh những biến chứng xảy ra.

Biến chứng của căn bệnh sốt xuất huyết

Bên cạnh các căn bệnh thường xuất hiện khi giao mùa, hiện nay cả nước đang đối diện với dịch bệnh sốt xuất huyết tăng cao, đặc biệt với những biến chứng khó lường. Sốt xuất huyết Dengue ở trẻ biểu hiện giống như các bệnh do vi rút thông thường, do đó các bác sĩ cảnh báo phụ huynh có thể nhầm lẫn, bỏ sót những dấu hiệu cảnh báo bệnh chuyển nặng. Bệnh sốt xuất huyết gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy đa tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

Trong khi người lớn bị sốt xuất huyết thường có các biểu hiện là giảm tiểu cầu, chảy máu thì ở trẻ em biến chứng thường gặp là trẻ bị sốc. Vì bị sốc nên dẫn đến tình trạng ứ dịch, suy hô hấp, chảy máu làm suy giảm các cơ quan chức năng trong cơ thể dẫn đến nguy hiểm tới tính mạng. Trẻ có thể hết sốt từ ngày thứ 3 nhưng sau đó vẫn có các biểu hiện như quấy khóc, bứt rứt, đau bụng, nôn, chảy máu... trẻ dễ rơi vào tình mê man.

Người nhiễm sốt xuất huyết trong trường hợp được bác sĩ khám bệnh cho điều trị tại gia đình cần được theo dõi thường xuyên về nhiệt độ cơ thể và các hiện tượng xuất huyết người bệnh (nếu có) cũng như các dấu hiệu bất thường xuất hiện, nếu có cần phải cho người bệnh đến bệnh viện ngay. Điều trị và theo dõi sốt xuất huyết tại gia đình cần phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt lưu ý sử dụng thuốc hạ sốt không được dùng Aspirin, chỉ dùng Paracetamol đơn chất theo chỉ định của bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho rằng với bệnh sốt xuất huyết, quá trình cấp cứu với bệnh nhân nặng đòi hỏi sự liên tục, phải được xử lý theo dõi sát từng 20-30 phút, thậm chí 5-10 phút/lần. Tuy nhiên, một số nơi không chú ý điều đó. Bởi vậy sau khi xử lý bệnh nhân ổn đã chuyển lên tuyến trên, nhưng nếu trên đường vận chuyển không đảm bảo được việc tiếp tục theo dõi và điều trị sâu sát, bệnh nhân có thể tái sốc hoặc có biến chứng xảy ra ngay trên đường vận chuyển... 

Để phòng bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thay rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng. Bên cạnh đó, các gia đình thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...; loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng. Người dân cần ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung