Châu Á hứng chịu 3 thảm kịch chết nhiều người trong vòng 1 tháng
Quốc tế - Ngày đăng : 16:02, 02/11/2022
Đầu tiên là bạo loạn sau trận bóng đá ở sân vận động Kanjuruhan (Indonesia) cướp đi sinh mạng 135 người ngày 1.10. Cảnh sát bắn hơi cay lúc khoảng 42.000 cổ động viên tràn xuống sân, khiến họ hốt hoảng tháo chạy giẫm đạp lên nhau.
Nhóm điều tra do Tổng thống Joko Widodo thành lập xác định hơi cay là nguyên nhân chính gây nên thảm kịch. Hơi cay vốn bị Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) cấm tại các sân vận động.
Giới chức Indonesia chuẩn bị khởi tố 6 người vì tội tắc trách, trong đó có 3 cảnh sát sử dụng hoặc hạ lệnh sử dụng hơi cay. Người đứng đầu lực lượng cảnh sát tỉnh Đông Java và huyện Malang - nơi thảm kịch xảy ra, cũng bị cách chức.
Chủ tịch Tổ chức An toàn thế giới (Indonesia) Soehatman Ramli nhận định vụ việc là minh chứng cho việc không có kế hoạch quản lý rủi ro và chuẩn bị hành động cho trường hợp khẩn cấp.
“Nên có kế hoạch vạch rõ các tuyến đường sơ tán, biện pháp quản lý đám đông nhằm kiểm soát tình huống hoảng loạn”, theo ông Ramli.
Đến đêm 29.10, 156 người thiệt mạng khi hơn 100.000 người đổ về khu phố đêm Itaewon nổi tiếng của Hàn Quốc tham gia lễ hội Halloween.
Đây là sự kiện Halloween đầu tiên kể từ lúc Hàn Quốc dỡ bỏ loạt hạn chế COVID-19. Các con hẻm vừa nhỏ vừa dốc ở Itaewon đông đúc đến mức xảy ra hiện tượng “nhiễu loạn đám đông”: mật độ người quá dày đặc nên người kẹt bên trong không thể hoàn toàn kiểm soát chuyển động của mình, đám đông di chuyển như một khối đông đặc.
Nhà nghiên cứu Milad Haghani (Đại học New South Wales, Úc) - người đã nghiên cứu hơn 275 thảm kịch liên quan đến đám đông từ năm 1902, cho biết khi mật độ người đạt đến mức như đám đông ở Itaewon vừa qua, người kẹt bên trong sẽ ngã xuống tạo nên hiện tượng domino.
Chính quyền thành phố Seoul bị chỉ trích vì chỉ bố trí 137 cảnh sát ứng phó với đám đông lớn như vậy. Giới chức Hàn thường điều động nhiều cảnh sát hơn để kiểm soát các cuộc biểu tình.
Người đứng đầu lực lượng cảnh sát Hàn Quốc Yoon Hee-keun nhận trách nhiệm vì không ngăn chặn được thảm họa. Điều tra ban đầu cho thấy trước lúc thảm họa xảy ra có người dân gọi điện báo cảnh sát về tình trạng đông đúc bất thường, nhưng sĩ quan trực xem nhẹ cảnh báo. Lực lượng cứu hộ cùng xe cứu thương không thể tiếp cận hiện trường kịp thời vì quá đông.
Theo giáo sư Haghani, dựa trên kinh nghiệm lễ hội trong quá khứ cũng như cân nhắc đến yếu tố hạn chế COVID-19 không còn nên người ta muốn ra đường thì đã có thể đoán được dịp lễ Halloween sẽ rất đông. Ông cho rằng ngoài cảnh sát thì giới chức Hàn đáng lẽ nên triển khai cả chuyên gia theo dõi và điều tiết dòng người ra vào Itaewon.
Nỗi đau tại Hàn Quốc chưa nguôi ngoai, sáng 30.10 đến lượt Ấn Độ hứng chịu thảm kịch. Cây cầu treo gần 150 năm tuổi ở bang Gujarat đứt cáp khiến nhiều người rơi xuống nước. Tổng cộng 134 người thiệt mạng. 9 người chịu trách nhiệm bảo trì và quản lý cầu bị tạm giữ.
Một đoạn phim cho thấy cầu rung lắc dữ dội, mọi người cố bám chặt dây cáp cùng hàng rào trước khi lối đi bung ra rơi xuống sông. Cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra.
Giáo sư Dirk Helbing (Đại học ETH Zurich, Thụy Sĩ) đánh giá 3 thảm kịch tháng 10 là lời nhắc nhở về trách nhiệm đảm bảo an toàn công cộng của giới chức các nước.
“Những thập niên qua khoa học đã đem lại nhiều hiểu biết lẫn công cụ mới giúp kiểm soát và giữ an toàn cho đám đông. Tôi hy vọng sự hiểu biết sẽ được lan truyền, góp phần tránh thảm họa trong tương lai”, theo Giáo sư Helbing.