ĐBQH Nguyễn Quang Huân: Yêu cầu đại biểu không dùng giấy và không được đọc... thì khó!

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 06:00, 03/11/2022

Đại biểu Nguyễn Quang Huân nhận thấy, yêu cầu không dùng giấy và không được đọc thì khó. Nếu không quy định rõ vấn đề này thì có những đại biểu lần đầu tham gia sẽ e ngại trong quá trình phát biểu.

Chiều 2.11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp quốc hội (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho biết, việc tranh luận trong các kỳ họp quốc hội là rất cần thiết, rất tiến bộ. Những ý kiến có thể khác với ý kiến của mình, nhưng cũng mở ra các góc nhìn mới. Tuy nhiên, cần tránh tình trạng “chen luận”. Đây là vấn đề về văn hóa nghị trường. Đại biểu đề nghị cần quy định số lần tranh luận tối đa của mỗi đại biểu trong một phiên họp.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) nêu rõ, việc nâng cao hiệu quả phiên họp tổ, phiên họp tại đoàn sẽ mang đến 3 tác dụng, đó là thúc đẩy quá trình chuyển đổi Quốc hội từ tham luận sang tranh luận; nâng cao chất lượng quyết định của Quốc hội; rèn luyện kỹ năng tranh luận, hùng biện của đại biểu quốc hội.

van.jpg
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau)

Đại biểu cũng cho rằng, việc tăng cường chất lượng hoạt động của Quốc hội đồng nghĩa với việc lựa chọn những nhân sự xứng đáng giới thiệu ra Quốc hội. Đại biểu cho rằng đây là vấn đề quan trọng, liên hệ mật thiết đến chất lượng nhân sự của Quốc hội, cần lưu ý để chuẩn bị tốt nhân sự cho Quốc hội các khóa sau.

Tranh luận với đại biểu Lê Thanh Vân, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho rằng, để nâng cao chất lượng kỳ họp quốc hội thì cần một lộ trình phát triển.

“Đại biểu Lê Thanh Vân có nêu yêu cầu về hùng biện, tuy vấn đề này rất tốt nhưng các đại biểu đại diện cho các vùng miền khác nhau, trình độ khác nhau, văn hóa khác nhau và nghề nghiệp khác nhau.

Do vậy, có những đại biểu tham gia Quốc hội nhiều, có kỹ năng nói tốt hoặc đã được đào tạo kỹ năng thuyết trình trước công chúng. Nhưng có những đại biểu lần đầu tham gia nên có khi đến đây, có khi chỉ phản ánh tiếng nói trung thực với cử tri để lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Quốc hội biết”, ông Huân nêu.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân nhận thấy, yêu cầu không dùng giấy và không được đọc thì khó. Vì nếu không quy định rõ vấn đề này thì có những đại biểu lần đầu tham gia sẽ e ngại trong quá trình phát biểu.

Về thảo luận vấn đề kinh tế - xã hội, theo đại biểu Nguyễn Quang Huân, lĩnh vực kinh tế - xã hội rất rộng và quan trọng.

“Nếu bây giờ chúng ta lựa chọn chỉ một, hai vấn đề để đưa ra tranh luận với nhau, đại biểu cho rằng, như vậy thì chỉ có một, hai chủ đề cần tập trung. Còn Quốc hội chúng ta hiện vừa thảo luận vừa tranh luận. Nếu khống chế thì các cử tri sẽ không được nêu lên tiếng nói của mình.

Vấn đề kinh tế - xã hội phải dành tới 2 ngày thảo luận. Vì quan trọng cho nên Quốc hội mới cho truyền hình trực tiếp để đồng bào cả nước cùng theo dõi. Một số đại biểu phát biểu vô tình trùng nhau chứ không phải người ta thích lên ti vi”, đại biểu Nguyễn Quang Huân nêu rõ.

huan.jpg
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) phát biểu

Đại biểu Lý Tiết Hạnh đề nghị thực hiện nguyên tắc các ý kiến thảo luận ở tổ hoặc ở hội trường đều cần được tôn trọng và được sử dụng một cách hiệu quả nhất.

Theo đó, cần tổng hợp các nhóm ý kiến thành các nhóm ý kiến lớn gửi trước cho đại biểu có điều kiện để tiếp tục nghiên cứu sâu hơn và tập trung hơn những vấn đề lớn được nhiều cử tri và đại biểu quan tâm; có thể đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan giải trình bằng văn bản kèm theo. Như vậy bước vào phiên thảo luận tại hội trường đại biểu hoàn toàn tự tin và có đầy đủ thông tin và tập trung vào những vấn đề thảo luận tại hội trường.

Hoài Lam