‘Nhà máy iPhone lớn nhất thế giới gặp sự cố thúc đẩy sản xuất nhiều hơn ở Việt Nam, Ấn Độ’
Thế giới số - Ngày đăng : 09:38, 03/11/2022
Việc hàng ngàn công nhân rời khỏi nhà máy Foxconn tại thành phố Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam đánh dấu sự gián đoạn mới nhất trong mạng lưới sản xuất theo hợp đồng của Apple tại Trung Quốc, theo sau nhiều đợt phong tỏa cộng đồng kéo dài trong nửa đầu năm nay và mối đe dọa bị hạn chế sức mạnh trên toàn quốc năm ngoái.
Tuy nhiên, Apple dự kiến sẽ không để lộ trình sản xuất các sản phẩm của mình, bao gồm iPhone, iPad, MacBook, iMac và AirPods, tuột dốc trong mùa mua sắm Giáng sinh quan trọng trên khắp các thị trường lớn ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương, theo Faisal Kawoosa, người sáng lập và phân tích chính tại công ty tư vấn Techarc.
Faisal Kawoosa cho biết: “Các quốc gia châu Á khác sẽ cung cấp dịch vụ bảo hiểm rủi ro ngay lập tức cho Apple và các nhà cung cấp khác của hãng để đáp ứng nhu cầu dự kiến tại các thị trường đó”.
Ví dụ, xuất khẩu iPhone của Apple từ Ấn Độ đã được dự kiến sẽ đạt 2,5 tỉ USD trong 12 tháng tính đến hết tháng 3.2023, theo một báo cáo của Bloomberg vào tháng 10, trích dẫn những người quen thuộc với vấn đề này. Điều đó cho thấy quốc gia Nam Á đang tiến tới trở thành một địa điểm sản xuất thiết bị điện tử chính.
Foxconn trước đó đã bổ sung thêm năng lực sản xuất iPhone cho một nhà máy hiện có ở Ấn Độ trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình bên ngoài Trung Quốc, theo trang The Economic Times, trích dẫn các nguồn giấu tên.
Foxconn là nhà sản xuất iPhone lớn nhất của Apple, làm ra 70% lô hàng iPhone trên toàn cầu.
Foxconn sản xuất hầu hết smartphone tại nhà máy ở Trịnh Châu, với khoảng 300.000 công nhân, dù có các cơ sở sản xuất khác nhỏ hơn ở phía nam Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo Toby Zhu, nhà phân tích của công ty nghiên cứu thị trường Canalys, tốc độ đa dạng hóa sản xuất iPhone bên ngoài Trung Quốc được kỳ vọng sẽ củng cố cơ sở hoạt động và độ phủ thị trường của Apple. Ví dụ, Ấn Độ là thị trường tiêu thụ smartphone lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc.
Ba đối thủ của Foxconn, cũng là nhà cung cấp cho Apple, đã bắt đầu chuyển năng lực sản xuất sang Việt Nam từ Trung Quốc. Họ bao gồm Luxshare Precision Industry và GoerTek (sản xuất AirPods), BYD Electronics (sản xuất iPad).
Sự thay đổi ngày càng tăng trong sản xuất bên ngoài Trung Quốc phản ánh cách các quốc gia khác, đặc biệt là Việt Nam và Ấn Độ, tập trung vào việc chiếm thị phần lớn hơn trong chuỗi cung ứng sản xuất của Apple.
Apple đã bắt đầu sản xuất iPhone ở Ấn Độ từ năm 2017. Đầu năm nay, gã khổng lồ công nghệ Mỹ bắt đầu sản xuất iPhone 13. Hôm 26.9, công ty có trụ sở ở thành phố Cupertino, bang California, Mỹ đã công bố kế hoạch sản xuất iPhone 14 ở quốc gia này.
Các nhà phân tích tại hãng dịch vụ tài chính JPMorgan Chase kỳ vọng Apple sẽ chuyển khoảng 5% sản lượng iPhone 14 cuối năm 2022 sang Ấn Độ.
Các nhà phân tích của JPMorgan Chase cho rằng Apple có thể sản xuất đến 25% tổng số iPhone của mình ở Ấn Độ vào năm 2025.
Cũng theo các nhà phân tích JPMorgan Chase, Apple sẽ chuyển 20% sản lượng iPad và Apple Watch sang Việt Nam vào năm 2025.
Thế nhưng, việc rời khỏi Trung Quốc, nơi Apple đã xây dựng chuỗi cung ứng sâu rộng trong gần 2 thập kỷ, sẽ không dễ dàng. Theo ước tính của Bloomberg Intelligence, sẽ mất khoảng 8 năm để chuyển chỉ 10% năng lực sản xuất của Apple ra khỏi Trung Quốc, nơi có khoảng 98% iPhone đang được sản xuất.
Ưu điểm của các nhà cung cấp linh kiện địa phương - chưa kể đến nguồn cung cấp điện, thông tin liên lạc, giao thông hiện đại và hiệu quả - khiến việc rời khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trở nên đặc biệt khó khăn.
“Với việc Trung Quốc chiếm 70% tổng sản lượng smartphone toàn cầu và các nhà cung cấp hàng đầu Trung Quốc chiếm gần một nửa số lô hàng xuất xưởng toàn cầu, khu vực này có một chuỗi cung ứng phát triển tốt, sẽ rất khó để tái tạo. Apple có thể mất quyền truy cập nếu rời đi”, báo cáo từ nhà phân tích Steven Tseng và Woo Jin Ho của Bloomberg Intelligence.
Các hãng công nghệ Mỹ đã đầu tư hàng chục tỉ USD hai thập kỷ ở Trung Quốc, thiết lập các chuỗi sản xuất phức tạp để cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho sự bùng nổ thương mại điện tử. Việc tháo gỡ những mối quan hệ đó có thể sẽ mất nhiều thời gian và dẫn đến thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế toàn cầu.
Theo Upasana Joshi, Giám đốc nghiên cứu thiết bị khách hàng tại công ty nghiên cứu IDC Ấn Độ, hiện tại ngành sản xuất Trung Quốc tiếp tục thống trị chuỗi cung ứng của Apple.
Upasana Joshi cho biết sự chuyển dịch sản xuất iPhone từ Trung Quốc sang các nước khác ở châu Á "không phải là giải pháp khả thi" ngay bây giờ cho Apple và các nhà cung cấp khác nhau của công ty Mỹ.
Tuy nhiên, một quá trình chuyển đổi dần dần đang được thực hiện. Danh sách nhà cung cấp mới nhất được công bố công khai của Apple cho thấy gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã bổ sung thêm 6 nhà thầu Trung Quốc mới, đồng thời cắt giảm 7 nhà cung cấp trước đó tại đại lục trong năm tài chính vừa qua tính đến tháng 9.
Trung Quốc chiếm 91 trong số 190 nhà cung cấp hàng đầu cho Apple, theo danh sách nhà cung cấp của gã khổng lồ công nghệ Mỹ cho năm tài chính kết thúc vào ngày 25.9.2021. Có 13 nhà máy ở Ấn Độ tạo thành một phần trong chuỗi cung ứng của Apple, trong khi Việt Nam có 26 nhà máy.
Foxconn đã tăng cường ưu đãi tiền mặt hàng ngày cho nhân viên dây chuyền lắp ráp iPhone của mình ở Trịnh Châu sau khi họ rời đi vào cuối tuần. Cả Foxconn và chính quyền Trịnh Châu đều không tiết lộ số lượng công nhân đã rời khỏi nhà máy hoặc bị cách ly.
Foxconn đã phủ nhận các tuyên bố trên mạng xã hội về 8 trường hợp tử vong do bùng phát dịch COVID-19 tại nhà máy này, gọi các video được lưu hành rộng rãi là “được chỉnh sửa độc hại”.
Video clip do Fang Zhouzi - nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng Trung Quốc đăng trên Twitter, mô tả cái chết của 8 công nhân Foxconn bên trong một ký túc xá do công ty Đài Loan điều hành, đã thu hút hàng chục ngàn lượt xem.
Các bài đăng tương tự được lan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc, bao gồm cả Douyin - phiên bản TikTok tại nước này.
“Không có trường hợp tử vong nào tại cơ sở của chúng tôi. Chúng tôi tin rằng đây là một video được chỉnh sửa độc hại. Đội đang nỗ lực hết sức để đảm bảo an toàn sản xuất, sức khỏe và sự an toàn của các đồng nghiệp”, một đơn vị của Foxconn tuyên bố.
Hôm 2.11, Khu kinh tế sân bay Trịnh Châu thông báo về việc phong tỏa do COVID-19, đặt ra câu hỏi về tác động của nó với việc Foxconn nỗ lực dập tắt sự bất mãn tại nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới.
Khu kinh tế sân bay Trịnh Châu là một khu kinh tế dựa trên sân bay được phát triển xung quanh Sân bay Quốc tế Tân Chính Trịnh Châu, Trung Quốc. Nó có diện tích 415 km2, nằm cách thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam khoảng 25 km về phía đông nam.
Khu kinh tế sân bay Trịnh Châu cho biết sẽ áp đặt các biện pháp "quản lý im lặng" có hiệu lực ngay lập tức, bao gồm cấm tất cả người dân ra ngoài và chỉ cho phép các phương tiện đã được phê duyệt đi lại. Các biện pháp sẽ được giữ nguyên cho đến ngày 9.11.
Thông báo của Khu kinh tế sân bay Trịnh Châu không nêu rõ các biện pháp có thể được áp dụng như thế nào với Foxconn.
Khu kinh tế sân bay Trịnh Châu từng phong tỏa vào cuối tháng 4 trong 14 ngày. Foxconn cho biết vào thời điểm đó, hoạt động sản xuất của họ tại nhà máy vẫn bình thường.
Việc phong tỏa hôm 2.11 đánh dấu việc tái thắt chặt các biện pháp kiểm soát COVID-19 ở Trịnh Châu, nơi bất ngờ dỡ bỏ tình trạng phong tỏa với hơn 10 triệu cư dân một ngày trước đó.
Trịnh Châu từng cố gắng hạn chế lây nhiễm SARS-CoV-2 bằng cách khử trùng tất cả nơi công cộng và các tòa nhà dân cư, đóng cửa các doanh nghiệp không thiết yếu, chỉ một số công ty được phép tiếp tục hoạt động.
Được xem là thành phố iPhone của Trung Quốc, Trịnh Châu đã báo cáo 358 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng hôm 1.11, tăng so với 95 trường hợp một ngày trước đó.