Kích thích tư duy đổi mới, đóng góp vào sự phát triển bền vững ở Việt Nam
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 20:02, 03/11/2022
Cùng sáng tạo, cùng hướng tới xã hội phát triển bền vững
Nhân kỷ niệm 53 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Thụy Điển - Việt Nam, Đại sứ quán Thụy Điển, Hội đồng Thương mại và Đầu tư Thụy Điển (Business Sweden) và các đối tác đã phối hợp tổ chức chương trình “Tiên phong đột phá”.
Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Måwe chia sẻ: “Là quốc gia đi đầu trong đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững, Thụy Điển có các kinh nghiệm thực tiễn; các doanh nghiệp Thụy Điển sở hữu các giải pháp công nghệ để tiên phong, thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh. Thụy Điển đang trên đà trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới không phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch”.
Đại sứ Måwe cũng nhấn mạnh việc muốn thúc đẩy và tạo điều kiện để hai nước Thụy Điển - Việt Nam cùng sáng tạo, cùng hướng tới xã hội phát triển bền vững, kiên cường và thịnh vượng trong tương lai, dựa trên mối quan hệ đối tác truyền thống hữu nghị, hợp tác trong hơn nửa thập kỷ qua.
Theo Đại sứ Ann Måwe, chương trình “Tiên phong đột phá” nhằm mục đích trình bày kinh nghiệm của Thụy Điển để thúc đẩy chuyển đổi bền vững thông qua các giải pháp bền vững và sáng tạo; tạo điều kiện cho việc thảo luận về bền vững trong các lĩnh vực như giao thông vận tải, sản xuất năng lượng, công nghiệp nặng, kinh tế sinh học, số hóa…
Cùng với đó, kích thích tư duy đổi mới, khơi dậy sự tò mò và thông minh của các bạn trẻ Việt Nam trong việc đưa ra các ý tưởng, giải pháp, tạo ra sự thay đổi thực sự cho người dân và đóng góp vào sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Khuyến khích các bạn trẻ thực hành lối sống bền vững có trách nhiệm.
Hợp tác là chìa khóa cho sự thành công của Thụy Điển
Những đổi mới sáng tạo của Thụy Điển đã từng được bạn bè thế giới biết đến, phải kể tới Skype, Spotify, hay dây đeo an toàn ba điểm trên ô tô... Những phát minh sáng tạo này đã tạo nên sự khác biệt trong đời sống hàng ngày trên toàn thế giới.
Những câu chuyện đổi mới sáng tạo tại chương trình “Tiên phong đột phá” lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội tại Trường đại học Kinh tế Quốc dân sẽ cung cấp những bài học kinh nghiệm, cùng các giải pháp xanh để phát triển bền vững của các doanh nghiệp Thụy Điển.
Các chủ đề trọng tâm của chương trình bao gồm năng lượng bền vững, sản xuất bền vững, tiêu dùng và sử dụng nguyên phụ liệu bền vững cũng như tầm quan trọng của một nền kinh tế tuần hoàn.
Với dân số chỉ gần 10 triệu người, Thụy Điển là trung tâm đổi mới sáng tạo. Thủ đô Stockholm của Thụy Điển đã tạo ra số lượng kỳ lân (công ty công nghệ tỉ đô la) cao thứ hai trên thế giới tính theo bình quân đầu người. Theo OECD, cứ 1.000 lao động thì có đến 20 công ty khởi nghiệp sáng tạo (startup) ở Thụy Điển.
Theo Đại sứ Ann Måwe, Thụy Điển hiện có hơn 70 công ty lớn nhỏ, hoạt động trong nhiều lĩnh vực đa dạng, như CNTT và viễn thông, sản xuất và dịch vụ, đóng gói, thiết bị công nghiệp, chăm sóc sức khỏe và hàng tiêu dùng tại Việt Nam. Nhiều công ty đã có mặt tại Việt Nam trong hơn 2 thập kỷ, đang từng bước chuyển giao chuyên môn, công nghệ và kinh nghiệm của Thụy Điển cho các đối tác Việt Nam. Điều này không chỉ phục vụ tăng trưởng kinh tế mà còn góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh, bền vững ở Việt Nam.
Đại sứ Thụy Điển cũng cho biết những năm gần đây, Việt Nam đã cho thấy những tiến bộ ấn tượng trong việc hướng tới một hành tinh xanh hơn. Tại COP26 năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia không phát thải ròng vào năm 2050.
Cùng với đó, kế hoạch thực hiện mới thúc đẩy thực hiện các cam kết COP26 của Việt Nam - “Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050” đã được phê duyệt. Kế hoạch thực hiện mới cho thấy sự cam kết và mục tiêu cụ thể của Chính phủ Việt Nam nhằm triển khai lộ trình chặt chẽ để theo đuổi các mục tiêu hành động.
Theo đó, có rất nhiều mục tiêu quan trọng, như 33% thị phần trong tổng sản lượng điện là từ thủy điện, năng lượng mặt trời, năng lượng gió và điện sinh khối; tăng cường sử dụng năng lượng xanh trong giao thông vận tải. Giảm 32,6% phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng; giảm 43% phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực nông nghiệp; giảm 70% phát thải khí nhà kính từ lâm nghiệp và sử dụng đất; giảm 60,7% phát thải xử lý chất thải.
Được biết, “Tiên phong đột phá” là nền tảng cho sự hợp tác về đổi mới sáng tạo. Người tham gia có cơ hội tham quan hành trình làm thế nào các ngành công nghiệp có thể nâng cao khả năng cạnh tranh, bằng cách không phụ thuộc hóa thạch hoặc hướng tới trung hòa khí hậu, thông qua 22 lộ trình ngành khác nhau do Chính phủ Thụy Điển hỗ trợ.
Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam nhận định đây là một nền tảng để chia sẻ kinh nghiệm cụ thể từ mô hình hợp tác ba nhà của Thụy Điển, gồm có Nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp trong nỗ lực trở thành quốc gia không phụ thuộc hóa thạch. Hợp tác là chìa khóa cho sự thành công của Thụy Điển.
Sau 1 tháng tại Hà Nội, “Tiên phong đột phá” sẽ tiếp tục hành trình đến các Trường đại học ở TP.HCM, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ và An Giang vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023.