Để Cần Thơ “phát triển đô thị bền vững thích ứng biến đổi khí hậu”

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 22:37, 03/11/2022

Cần Thơ là đô thị trung tâm ĐBSCL, là thành phố lớn thứ 4 của Việt Nam. Tuy nhiên, TP.Cần Thơ đứng trước nhiều thách thức của biến đổi khí hậu (BĐKH). Làm gì để phát triển đô thị bền vững đang là câu hỏi không dễ trả lời của TP này.
z3852635379581_a6b2910ae02568a6bddbadc920b3c717.jpg
Hội thảo về phát triển bền vững TP.Cần Thơ - Ảnh: Văn Kim Khanh

Ngày 3.11 Tổ Chức Phi Chính Phủ Friedrich Naumann Việt Nam (FNF) phối hợp với Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Đại học Cần Thơ (ĐHCT) cùng với Liên Hiệp các tổ chức Hữu nghị TP.Cần Thơ tổ chức hội thảo “Phát triển đô thị bền vững thích ứng biến đổi khí hậu”(BĐKH) tại Cần Thơ. Hội thảo được tổ chức với mục tiêu tìm kiếm, xác định những khuyến nghị, giải pháp tiềm năng trong việc phát triển đô thị TP.Cần Thơ bền vững trước bối cảnh BĐKH.

z3846589002470_8cf8e24106b65cc6db356e6d19cb024e.jpg
Triều cường tại TP.Cần Thơ trung tuần tháng 10 - Ảnh: Văn Kim Khanh

PGS.TS Văn Phạm Đăng Trí - Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ cho rằng, hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ và ghi nhận những kinh nghiệm trong việc phát triển đô thị bền vững của các thành phố khác ở Việt Nam cũng như trên thế giới trong bối cảnh BĐKH. Tại TP.Cần Thơ, xu hướng phát triển đô thị bền vững hướng tới đô thị tăng trưởng xanh – đô thị thông minh cũng đang nhận được sự quan tâm từ chính quyền địa phương. Vì vậy hội thảo tập trung vào việc xây dựng các chính sách để phát triển thành phố trong bối cảnh BĐKH tại TP.Cần Thơ.

z3852632218153_37152386570348beac13426948c3aa29.jpg
TS. Ngô Anh Tín báo cáo tham luận tại hội thảo - Ảnh: Văn Kim Khanh

Hội thảo đã nghe báo cáo tham luận của ThS. Bùi Hoàng Minh, Giám đốc Trung tâm điều hành thông minh IOC TP.Huế. Báo cáo xoay quanh những kinh nghiệm rút ra từ dịch vụ đô thị thông minh Thừa Thiên Huế với vấn đề biến đổi khí hậu. Nhiều kinh nghiệm hay cho TP.Cần Thơ trong kế hoạch phát triển đô thị bền vững.

TS. Ngô anh Tín, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.Cần Thơ cho rằng, để phát triển TP.Cần Thơ bền vững cần phối hợp của các sở, ban, ngành, viện, trường. Việc xác định các nhiệm vụ khoa học và công nghệ để bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; phòng chống, ứng phó với các rủi ro thiên tai. Từ đó giảm nhẹ các tổn thương, tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu gây ra; tăng cường năng lực cảnh báo, dự báo sớm các rủi ro về khí hậu, thiên tai, dịch bệnh.

test-nhanh-pt.jpg
Năm 2021 TP.Cần Thơ trải qua dịch bệnh COVID-19 - Ảnh: Văn Kim Khanh

Tóm lại, khoa học và công nghệ đã và đang từng bước khẳng định vài trò, vị trí, tầm quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và trong phát triển đô thị nói riêng. Trong thời gian tới, ngành khoa học và công nghệ tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, đóng góp tích cực hơn nữa để xây dựng và phát triển đô thị TP.Cần Thơ bền vững, góp phần xây dựng và phát triển Cần Thơ thành Thành phố trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long.

z3852785414281_9f45761b236c85f26fdb92fce9000c79.jpg
Tòa nhà công nghệ cao tại Trường Đại học Cần Thơ - Ảnh: Văn Kim Khanh

ThS. Nguyễn Kim Hoàng, Chuyên gia phát triển đô thị và hạ tầng - Cơ quan hợp tác phát triển Đức đã chỉ ra những yếu kém của Cần Thơ hiện nay cần khắc phục trên đường phát triển: Sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt trong 3 công tác: quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý khai thác vận hành. Số lượng cán bộ chuyên trách quản lý thoát nước tại cơ quan chuyên môn Sở Xây dựng / Phòng Quản lý đô thị các quận, kinh tế hạ tầng các huyện còn thiếu. Lấn chiếm kênh rạch tại các đô thị đặt ra hai thách thức đối với công tác quản lý thoát nước đô thị là cản trở thoát nước và ô nhiễm môi trường.

.trashed-1646613700-20220202_102528.jpg
Nông nghiệp xanh tại TP.Cần Thơ - Ảnh: Văn Kim Khanh

Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng ban quản lý Khoa học và Hợp tác Quốc tế - Học Viện chính trị khu vực IV cho rằng, cần có giải pháp xây dựng TP.Cần Thơ phát triển bền vững trong tương quan quản lý BĐKH và nước biển dâng của ĐBSCL. Nguyên nhân của các đô thị trong vùng bị ngập lũ do phá rừng, con người tác động đến thiên nhiên quá nhiều. Cần có giải pháp đồng bộ về khoa học, công nghệ để quản lý thành phố theo tiêu chuẩn hiện đại. Có như thế TP.Cần Thơ mới phát triển bền vững.

z3852628166356_244644da20af9d3c5415fd86c6b44956.jpg
Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Văn Kim Khanh

Phát biểu tại hội thảo, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè cho rằng, với Cần Thơ là thành phố trung tâm ĐBSCL. Đây là thành phố hạt nhân có vị trí chiến lược quan trọng. Hiện nay TP có nhiều cơ hội trên đường phát triển nhưng khó khăn thách thức cũng không nhỏ. Ngay cả thời điểm hiện nay, triều cường nhiều lần uy hiếp thành phố. Hôm nay, các nhà khoa học hội thảo, trao đổi để tìm ra hướng phát triển thành phố phát triển bền vững trước BĐKH và nước biển dâng. Rút kinh nghiệm và bài học trong việc quy hoạch phát triển đô thị bền vững, hướng tới đô thị tăng trưởng xanh của TP.Cần Thơ. Lãnh đạo TP ghi nhận những đề xuất, khuyến nghị của các nhà khoa học cho TP trong việc phát triển đô thị bền vững trước những thách thức của BĐKH. Hy vọng các nhà khoa học sẽ đóng góp thiết thực hơn nữa cho thành phố trên đường phát triển.

Văn Kim Khanh