185 nước tại Đại hội đồng LHQ lên án việc Mỹ cấm vận Cuba còn Ukraine "bỏ phiếu trắng"
Quốc tế - Ngày đăng : 07:45, 04/11/2022
Cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng gồm 193 thành viên với 185 quốc gia ủng hộ việc lên án lệnh cấm vận của Mỹ. Chỉ Mỹ và Israel phản đối nghị quyết, Brazil và Ukraine bỏ phiếu trắng.
AP của Mỹ trích lời Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez cho biết trước cuộc bỏ phiếu rằng kể từ năm 2019, chính phủ Mỹ “đã leo thang cuộc bao vây xung quanh đất nước của chúng tôi, đưa nó đến một chiều hướng thậm chí còn tàn nhẫn và vô nhân đạo hơn, với mục đích cố ý gây ra thiệt hại lớn nhất có thể cho các gia đình Cuba”.
Ông Rodriguez cho biết thêm trong 14 tháng đầu tiên của chính quyền Biden, thiệt hại đối với nền kinh tế Cuba ước tính khoảng 6,35 tỉ USD, tương đương hơn 15 triệu USD mỗi ngày.
Đồng thời, Ngoại trưởng Cuba nhận xét chính quyền Biden đang tiếp tục chính sách "áp lực tối đa" của người tiền nhiệm Donald Trump. Ông nói rằng mặc dù có một số điều chỉnh tích cực nhưng đã có những hạn chế trong những tháng gần đây đối với các chuyến bay của Mỹ đến Cuba, chuyển tiền và thủ tục lãnh sự...
Ngoại trưởng Cuba cho biết: “Việc phong tỏa, đã được thắt chặt đến mức cực đoan, tiếp tục là yếu tố trung tâm xác định chính sách Mỹ-Cuba.
Cố vấn chính trị Mỹ John Kelley nói với Đại hội đồng sau cuộc bỏ phiếu rằng Washington vẫn cam kết theo đuổi tự do và phẩm giá của người dân Cuba, tập trung vào sức khỏe chính trị và kinh tế của họ và tập trung nỗ lực của mình "vào dân chủ và nhân quyền và cơ bản quyền tự do”.
Trong khi Mỹ cho rằng chính phủ Cuba chịu trách nhiệm, ông Kelley cho biết: "người dân và các tổ chức của Mỹ đã quyên góp một lượng đáng kể hàng hóa nhân đạo cho người dân Cuba và Mỹ là một trong những đối tác thương mại chính của Cuba".
Phó đại sứ của Cuba tại Liên Hợp Quốc, Yuri Gala phản bác: “Nếu chính phủ Mỹ thực sự quan tâm đến hạnh phúc, nhân quyền và quyền tự quyết của người dân Cuba, thì họ có thể dỡ bỏ lệnh cấm vận”.
Về việc Mỹ nói ủng hộ quyền tự do cá nhân ở Cuba, Gala bình phẩm “nhưng họ vẫn chưa đảo ngược những hạn chế đang ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nhân Cuba trong các lĩnh vực như phát triển phần mềm, khách sạn và các lĩnh vực khác”.
Trước đó, Rodriguez đã nói với hội đồng rằng: "Chúng tôi không đổ lỗi cho việc phong tỏa cho tất cả những khó khăn mà đất nước chúng tôi phải đối mặt ngày hôm nay. Nhưng những ai phủ nhận tác động rất nghiêm trọng của nó hoặc không nhận ra rằng đó là nguyên nhân chính dẫn đến những thiếu thốn, khan hiếm và khó khăn mà các gia đình Cuba phải gánh chịu, thì họ không nói ra sự thật”.
Rodriguez cáo buộc Mỹ sử dụng các nền tảng công nghệ kỹ thuật số và truyền thông mạnh mẽ của mình "trong một chiến dịch thông tin sai lệch và miệt thị độc hại chống lại Cuba".
Cuộc bỏ phiếu ngày thứ năm có tỷ lệ áp đảo 185-2 tương tự như các năm trước.
Cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng vào tháng 11.2019 có tỷ số là 187-3, với Mỹ, Israel và Brazil bỏ phiếu "chống" và Colombia và Ukraine bỏ phiếu trắng.
Phiên họp thứ 75 của Đại hội đồng bắt đầu vào tháng 9.2020, nhưng vì đại dịch COVID-19, cuộc bỏ phiếu về nghị quyết của Cuba đã bị hoãn lại cho đến tháng 6.2021. Tỷ số phiếu khi đó là 184-2 khi chỉ còn Mỹ và Israel bỏ phiếu "chống" và Brazil, Colombia và Ukraine bỏ phiếu trắng.
Các nghị quyết của Đại hội đồng không ràng buộc về mặt pháp lý và không thể thi hành, nhưng chúng phản ánh dư luận thế giới và cuộc bỏ phiếu đã cho Cuba cơ hội hằng năm chứng minh Mỹ chịu cô lập (isolation) trong những nỗ lực hàng thập niên nhằm cô lập đảo quốc Caribbean.
Lệnh cấm vận được Mỹ áp đặt vào năm 1960 sau cuộc cách mạng do Fidel Castro lãnh đạo và việc quốc hữu hóa tài sản thuộc về các công dân và tập đoàn Mỹ. Hai năm sau nó đã được siết chặt.
Thập niên trước, Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Barack Obama chính thức khôi phục quan hệ vào tháng 7.2016 và năm đó Mỹ đã lần đầu tiên bỏ phiếu trắng về nghị quyết kêu gọi chấm dứt lệnh cấm vận do chính họ đặt ra. Nhưng người kế nhiệm của Obama là Donald Trump đã chỉ trích gay gắt hồ sơ nhân quyền của Cuba và vào năm 2017, Mỹ trở lại với truyền thống bỏ phiếu chống lại nghị quyết.