Không thể xác định địa điểm rơi của 23 tấn mảnh vụn tên lửa Trung Quốc xuống Trái Đất
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 13:45, 04/11/2022
Thông thường, khi các mảnh vụn tên lửa quay lại bầu khí quyển, chúng được thiết kế để rơi xuống một vị trí cụ thể, đâm vào các phần được xác định trước của đại dương. Tuy nhiên, theo một số nhà quan sát, các mảnh từ tên lửa Trường Chinh 5B có thể rơi xuống ở bất cứ đâu.
"Khó thể đảm bảo phần còn lại của các mảnh vỡ lớn này rơi xuống trong một khu vực không có dân cư. Điểm quay lại của nó không thể được kiểm soát", Ralph Cooney, giáo sư tại Đại học Auckland ở New Zealand, nói với Newsweek.
Trong khi đó, Luciano Anselmo và Carmen Pardini, các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Động lực học Chuyến bay Không gian ở Pisa, Ý, cho biết: “Chuyển động của các mảnh vụn chỉ chịu tác động của các lực tự nhiên, chẳng hạn như lực hấp dẫn và lực cản của khí quyển, sau đó chúng mất dần năng lượng cơ học dẫn đến việc rơi xuống Trái Đất hoàn toàn không kiểm soát được”.
Khi các mảnh vụn không gian xâm nhập vào bầu khí quyển của Trái đất với tốc độ cao, chúng sẽ trải qua gia tốc cực lớn và chịu nhiệt độ khắc nghiệt. Các mảnh vỡ có thể vỡ ra thành nhiều mảnh nhỏ hơn, một số mảnh sẽ bốc cháy do sức nóng, một số mảnh khác rơi xuống đất. Tuy nhiên, các mảnh vụn này thường có kích thước lớn nên chỉ một lượng nhỏ sẽ bị đốt cháy hết trên không trung.
“Những mảnh vụn này rất lớn, chúng nặng hơn 20 tấn, do đó không thể bị đốt cháy hoàn toàn trong quá trình quay trở lại bầu khí quyển”, Anselmo và Pardini cho biết với Newsweek.
Các ước tính hiện tại từ Công ty nghiên cứu sứ mệnh không gian Aerospace cho thấy các mảnh động cơ có khả năng rơi xuống Ấn Độ Dương, ngay ngoài khơi vùng Sừng châu Phi. Theo giáo sư Cooney, vì 70% bề mặt Trái đất là đại dương nên khả năng tên lửa hạ cánh xuống đại dương là rất cao.
Khả năng mảnh vỡ va vào khu vực có người ở là rất thấp. Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) ước tính tỷ lệ một người bị mảnh vỡ không gian rơi vào khoảng 1/3200.
Nhưng các nhà nghiên cứu động lực học Ý Anselmo và Pardini nói rằng rủi ro có thể cao hơn, đặc biệt là khi xem xét tới số lượng lớn các vệ tinh không còn hoạt động và các mảnh rác không gian khác trên quỹ đạo xung quanh hành tinh.
"Xác suất một người nào đó trên thế giới bị một mảnh vỡ rơi xuống là khoảng 1/500, cao hơn tỷ lệ 1/10.000”, Anselmo và Pardini cho biết, và kêu gọi các nước cần có kế hoạch kiểm soát các mảnh vụn không gian.
"Theo ước tính của chúng tôi, hiện tại xác suất thương vong toàn cầu do các mảnh vụn không gian không được kiểm soát rơi xuống Trái đất là khoảng 2 đến 3% mỗi năm. Khoảng 1/3 rủi ro đến từ rác vệ tinh, 2/3 rủi ro đến từ thân tên lửa. Tình hình đang ngày càng phức tạp do những thay đổi trong hoạt động không gian”, hai chuyên gia Anselmo và Pardini cảnh báo.