Phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng qua thanh tra đột xuất

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 12:10, 05/11/2022

Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra đột xuất, quy mô lớn, phức tạp, phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, kiến nghị chuyển cơ quan điều tra xử lý.

Ngày 5.11, Tổng thanh tra Chính phủ (TTCP) Đoàn Hồng Phong trả lời chất vấn về các vấn đề như nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động thanh tra, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật; biện pháp xử lý, thu hồi tài sản sau thanh tra...

Từ ngày nhậm chức, Tổng TTCP thanh tra đột xuất vụ việc tham nhũng thế nào?

Tham gia chất vấn tại phiên họp, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị cho biết từ ngày nhậm chức đến nay, Tổng TTCP đã chủ động chỉ đạo hoạt động thanh tra đột xuất liên quan các vụ việc tham nhũng trong ngành thanh tra như thế nào, kết quả ra sao?

van.jpg
Đại biểu Lê Thanh Vân chất vấn

Trả lời đại biểu Lê Thanh Vân, ông Đoàn Hồng Phong nêu rõ, căn cứ vào chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho thanh tra tiến hành thanh tra một nội dung nào đó thì tổng thanh tra sẽ chỉ đạo phó tổng thanh tra phụ trách các cơ quan, đơn vị tổ chức nắm thông tin tình hình, đề xuất nội dung phạm vi thời kỳ và đối tượng cần thanh tra.

Tổng TTCP cho chủ trương để phó tổng thanh tra ký ban hành quyết định thanh tra kế hoạch tiến hành thanh tra. Tổng TTCP chỉ đạo phó tổng thanh tra phụ trách chỉ đạo thủ trưởng cục, vụ và đoàn thanh tra tiến hành thanh tra theo quy định pháp luật và chỉ đạo giám sát đoàn thanh tra.

Ngoài ra, tổng thanh tra chỉ đạo phó tổng thanh tra xem xét báo cáo kết quả thanh tra, chỉ đạo thẩm định dự thảo kết luận thanh tra và báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về dự thảo kết luận thanh tra và sau đó thì chỉ đạo tiếp thu, hoàn chỉnh kết luận…

Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong cho biết, trong thời gian vừa qua đã có nhiều cuộc thanh tra có tính phức tạp, quy mô lớn, có nhiều sai phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Qua kết quả thanh tra đã kiến nghị xử lý và chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo pháp luật. Các cuộc thanh tra đột xuất này đều được tiến hành với tinh thần khẩn trương và trách nhiệm cao nhất để kết luận và báo cáo Ban Chỉ đạo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Trong đó, có vụ việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn, AVG, Dự án nhiệt điện Thái Bình 2, Gang thép Thái Nguyên, vụ thuốc ung thư tại công ty cổ phần VN Pharma và các dự án đất đai liên quan đến Phan Văn Anh Vũ; việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, trang thiết bị vật tư, sinh phẩm, kit test, vắc xin xét nghiệm.

phong.jpg
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời chấn vấn

Giải pháp nào xử lý tham nhũng, tiêu cực ngành ngân hàng?

Đại biểu Bùi Mạnh Khoa (Thanh Hóa) chất vấn, tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng vẫn diễn biến phức tạp và tinh vi. Trước thực tế này, đại biểu Bùi Mạnh Khoa đề nghị Tổng thanh tra Chính phủ cho biết trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ trong công tác thanh tra ngân hàng những năm vừa qua. Thanh tra Chính phủ có giải pháp, căn cơ nào để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này?

Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong cho biết, hàng năm cơ quan này phối hợp với các cơ quan trình Chính phủ kế hoạch định hướng thanh tra, trong đó có thanh tra lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm như ngành ngân hàng. Thanh tra lĩnh vực này thường tập trung vào quản lý tiền tệ, cấp tín dụng, đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, trái phiếu chứng khoán, nợ xấu ngân hàng, phòng chống rửa tiền...

Theo quy định, TTCP chỉ thanh tra tại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước trên 50%. Ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân hoặc nhà băng có vốn nhà nước dưới 50% không thuộc đối tượng thanh tra của TTCP, trừ trường hợp đặc biệt chỉ đạo từ Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương, Chính phủ hoặc Thủ tướng giao.

khoa.jpg
Đại biểu Bùi Mạnh Khoa (Thanh Hóa) chất vấn

Những năm qua, Thanh tra Chính phủ mới tiến hành thanh tra một vụ việc tại ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, là Ngân hàng Đại Chúng; thanh tra tại Ngân hàng Nhà nước, 4 ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước (VietcomBank, VietinBank, BIDV, Agribank); hai ngân hàng chính sách (Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam - VDB).

Kết quả, thanh tra ngành ngân hàng đã phát hiện nhiều sai sót, vi phạm và kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách bất cập. Việc này đã góp phần giữ kỷ cương, kỷ luật ngành ngân hàng. Một số vụ việc có dấu hiệu hình sự đã được cơ quan này chuyển cơ quan điều tra.

Chẳng hạn, quá trình thanh tra tại Agribank năm 2011, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện, chuyển hồ sơ 14 vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự sang cơ quan điều tra Công an. Các vụ việc này đã được cơ quan điều tra tiến hành tố tụng. Hàng chục cán bộ ngân hàng liên quan đã được đưa ra xét xử và đây là vụ án lớn trong lĩnh vực ngân hàng.

Thu hồi tài sản tham nhũng là nhiệm vụ khó

Về thực trạng ngăn chặn xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng, Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong chia sẻ đây là một trong những nhiệm vụ khó khăn, vướng mắc, phức tạp. Thời gian qua, các cơ quan theo chức năng đã thực hiện tốt những công việc về thu hồi tài sản tham nhũng và đạt tỷ lệ là năm sau cao hơn năm trước.

Kết quả 9 tháng đầu năm 2022, thanh tra tiến hành đôn đốc, thanh tra 5.586 kết luận thanh tra. Qua đó, thu hồi được hơn 1.000 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 60% và gấp đôi so với năm 2021.

Tuy nhiên, Tổng TTCP cũng chỉ rõ, tỷ lệ thu hồi tham nhũng vẫn còn thấp. Do đó, trong thời gian tới, TTCP tập trung giải pháp khắc phục như hoàn thiện quy định pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng; tăng cường xử lý sau thanh tra, thi hành án về thu hồi tài sản nhũng.

Trong quá trình điều tra và phát hiện dấu hiệu tội phạm phải chủ động có biện pháp kê biên, phong tỏa, tạm giữ tài sản để đảm bảo xử lý. Sau thanh tra thi hành án và kịp thời tháo gỡ khó khăn những quá trình thu hồi và tăng cường hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp để thu hồi tài sản tham nhũng.

Về xử lý chồng chéo, trùng lắp giữa hoạt động thanh tra, kiểm toán, Tổng TTCP nêu rõ, các cơ quan thanh tra, kiểm toán đã phối hợp với nhau để mà từng bước khắc phục, xử lý chồng chéo.

Cơ quan thanh tra và cơ quan kiểm toán đã phối hợp với nhau ban hành quy chế phối hợp triển khai, xử lý chồng chéo từ khâu xây dựng kế hoạch thanh tra cũng như tổ chức thực hiện thanh tra.

phong-2.jpg
Tổng TTCP trả lời về thực trạng ngăn chặn xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng

Trong quá trình tổ chức thanh tra nếu phát hiện ra sự chồng chéo thì giữa 2 cơ quan có sự bàn bạc, trường hợp không xử lý được sẽ báo cáo Tổng TTCP và Tổng Kiểm toán nhà nước để trực tiếp trao đổi, thống nhất xử lý.

Tổng TTCP cũng cho biết thêm, trong thời gian tới, sẽ sửa đổi Luật Thanh tra để có quy định về xử lý chồng chéo. Đồng thời, TTCP sẽ chủ trì với bộ, ngành, địa phương xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các cuộc thanh tra nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi, phát hiện và xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Về lâu dài, TTCP kiến nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu hoàn thiện pháp luật thanh tra, kiểm toán theo hướng là quy định rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan.

Về xử lý tập thể, cá nhân, nhất là nơi để xảy ra vi phạm pháp luật nghiêm trọng, Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, qua theo dõi đôn đốc, kiểm tra thực hiện xử lý sau thanh tra của ngành thanh tra thì các cơ quan đã xử lý hành chính là 1.714 tổ chức và 4.841 cá nhân và chuyển cơ quan điều tra là 76 vụ, 93 đối tượng.

Lam Thanh