Trả lời chất vấn tại Quốc hội, Thủ tướng nói về chuyện "giữ nước, chăn dân"

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 06:00, 06/11/2022

Thủ tướng chia sẻ, các cụ ngày xưa nói là "giữ nước và chăn dân", cũng như 2 nhiệm vụ chiến lược bây giờ. Đường lối đối ngoại của Việt Nam là không chọn bên mà chúng ta chọn công lý và lẽ phải.

Việt Nam không chọn phe, chỉ chọn lẽ phải

Chất vấn tại Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng thời gian vừa qua hoạt động đối ngoại của Việt Nam đã rất thành công, tuy nhiên, hiện tại thế giới đã có nhiều diễn biến hết sức khó lường, khó đoán định. Xin Thủ tướng Chính phủ cho biết một số định hướng đối ngoại cơ bản và thái độ của Việt Nam.

Trả lời vấn đề này, Thủ tướng cho biết đất nước có nhiều việc nhưng có hai việc lớn là đối nội và đối ngoại.

“Các cụ ngày xưa nói là "giữ nước và chăn dân", cũng như 2 nhiệm vụ chiến lược bây giờ. Chúng ta theo đuổi một đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy với tất cả các nước thế giới, vì mục tiêu hòa bình, hợp tác, phát triển; là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, chủ trương đường lối đối ngoại chung là như vậy”, Thủ tướng nêu.

Thủ tướng cho biết hiện nay đang thể chế hóa và cụ thể hóa đường lối chung này trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực. Trên thực tế, vừa qua Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại này với 3 trụ cột chính là ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa.

Theo đó, Việt Nam đã thu được nhiều kết quả quan trọng; ứng xử với những vấn đề quốc tế phức tạp vừa qua, ví dụ như vấn đề Ukraine.

“Thái độ của chúng ta thể hiện ở Liên Hợp Quốc cũng được bạn bè chia sẻ trong bối cảnh khó khăn và trong bối cảnh chúng ta phải phải thể hiện chính kiến. Đường lối đối ngoại của chúng ta là không chọn bên mà chúng ta chọn công lý và lẽ phải”, Thủ tướng nói.

Do đó, Thủ tướng cho rằng các vấn đề liên quan đến quốc tế vì hòa bình, hợp tác, phát triển khu vực, trên thế giới phù hợp với đường lối, quan điểm đối ngoại của chúng ta vừa qua, chúng ta thể hiện thái độ theo tinh thần như vậy.

Nhân đây Thủ tướng cũng biểu dương Bộ Ngoại giao, khi Việt Nam chống dịch, tiếp cận vắc xin rất khó, Bộ Ngoại giao cũng đã tích cực để thực hiện chiến lược vắc xin.

“Bộ Ngoại giao đã làm tốt ngoại giao vắc xin và hiện nay do sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, chúng ta đáp ứng được việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân nhưng vẫn tiết kiệm được kinh phí”, Thủ tướng nêu.

Bài học nào sau đại dịch?

Liên quan đến bài học sau đợt đại dịch vừa qua, Thủ tướng cho biết 2 năm vừa qua chống dịch là không có tiền lệ, không dự báo được và mất rất nhiều công sức để kiểm soát.

“Ta chưa dành thời gian để tổng kết được việc này như thế nào. Chúng tôi đang chỉ đạo trong ban chỉ đạo sẽ thống nhất là tổng kết lại đợt chống đại dịch COVID-19 vừa qua để có những bài học kinh nghiệm, đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể”, Thủ tướng nói.

tt-2.jpg
Thủ tướng trả lời chất vấn tại Quốc hội

Thủ tướng cho hay, trong chống dịch có 3 trụ cột chính là: Xét nghiệm, cách ly và điều trị.

“Chúng ta đưa ra được công thức chống dịch 5K + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức của người dân”, Thủ tướng nói và cho biết có 2 giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất là khi Việt Nam chưa tiếp cận được vắc xin và chưa hiểu biết về vi rút này nên phải dùng biện pháp hành chính để chống dịch. Sau đó, nhận thấy biện pháp hành chính rất khó thành công nên đã thúc đẩy việc vắc xin và xây dựng chiến lược vắc xin.

“Có 2 thành tố rất cơ bản là vắc xin và ý thức của người dân. Đây là 2 thành tố rất quan trọng, đã đẩy lùi được dịch bệnh”, Thủ tướng nêu.

Thủ tướng cũng cho biết Việt Nam có quan điểm chống dịch là đặt sức khỏe và tính mạng của người dân lên trên hết, chống dịch từ sớm, từ xa ngay từ cơ sở, thể hiện quan điểm này rất rõ.

Sắp tới, Thủ tướng cho biết phải tiếp tục tổng kết để rút ra những bài học kinh nghiệm. Trong đó tinh thần đại đoàn kết dân tộc rất quan trọng để "biến nguy thành cơ".

Bài học thứ hai là phải hoàn thiện thể chế. Khi chống dịch, thể chế của Việt Nam còn thiếu, nhất là trong tình hình đặc biệt.

“Chúng ta thiết kế luật pháp phải bám sát vào thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan, xuất phát từ thực tiễn, nhưng pháp luật bao giờ cũng trễ hơn do với thực tiễn. Do đó, khi chúng ta gặp phải đại dịch như vậy, nhưng cũng rất may Quốc hội rất sáng suốt khi ban hành Nghị quyết 30 kịp thời xử lý vấn đề có liên quan đến thể chế, sau đó Chính phủ và các cơ quan có liên quan tiếp tục thể chế ra để làm tiếp”, Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng cũng cho rằng khi tình hình bình thường người ta không thấy y tế cơ sở quan trọng, nhưng khi tình hình diễn ra phức tạp thì thấy y tế cơ sở hết sức quan trọng. Nên đây cũng là bài học và cũng là giải pháp.

Né tránh tiếp công dân là không được

Chất vấn Thủ tướng, Đại biểu Hoàng Anh Công (Thái Nguyên) nêu lên việc thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của người đứng đầu các cơ quan hành chính một số nơi chưa thực hiện nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

"Còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, ngại va chạm, không tiếp công dân, không đối thoại với dân, thiếu quyết liệt, công tâm, khách quan trong việc giải quyết dẫn đến vụ việc không được giải quyết dứt điểm, trở thành những vụ việc tồn đọng kéo dài", đại biểu nêu.

Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, để giải quyết tình trạng khiếu kiện kéo dài, việc cần làm là rà soát việc quy định liên quan đến quy chế, pháp luật còn phù hợp với thực tiễn hay không mà lại để xảy ra tình trạng này.

Thứ 2 phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc tiếp công dân trong giải trình, thể hiện trách nhiệm của mình trước công dân.

"Né tránh là không được. Chúng ta đã có nhiều văn bản, quy định về tiếp công dân. Đề nghị các địa phương nâng cao nhận thức, đẩy mạnh hành động, nhất là người đứng đầu. Đề nghị các đại biểu Quốc hội. Hội đồng nhân dân… tăng cường giám sát việc này", Thủ tướng nêu rõ.

Hoài Lam