Bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ và quan hệ Mỹ - Trung Đông
Quốc tế - Ngày đăng : 08:45, 06/11/2022
Nhiều thăm dò chỉ ra đảng Cộng hòa đứng trước cơ hội lớn giành quyền kiểm soát Hạ viện, cơ hội kiểm soát Thượng viện cũng lên đến 50%. Cử tri Mỹ quan tâm nhiều hơn đến vấn đề đối nội như lạm phát cao, giá xăng, tội phạm, nhập cư bất hợp pháp, phá thai và nguy cơ suy thoái kinh tế rình rập. Dù cuộc chiến tại Ukraine được truyền thông nhắc đến nhiều nhưng vấn đề đối ngoại không đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra quyết định ở phía cử tri.
Nhìn chung chính sách ngoại giao do nhánh hành pháp và Tổng thống Mỹ xây dựng nên, tuy vậy Quốc hội Mỹ vẫn có ảnh hưởng nhất định. Hạ viện kiểm soát chi tiêu nên các quyết định đối ngoại cần ngân sách chẳng hạn như viện trợ cho Ukraine hay cứu trợ COVID-19 quốc tế đều phải được Hạ viện thông qua. Thượng viện thì có tiếng nói trong xác nhận hoặc bác bỏ đề cử bổ nhiệm đại sứ hoặc vị trí cấp cao khác mà Nhà Trắng đưa ra.
Quốc hội Mỹ cũng có thể phản đối hoặc trì hoãn thương vụ bán khí tài cho nước ngoài làm ảnh hưởng đến tính toán chính trị của Nhà Trắng. Điều này đòi hỏi lưỡng viện đều thông qua.
Bất kể đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát Hạ viện hay Thượng viện, họ chắn chắn sẽ tìm cách cản trở, làm suy yếu chính quyền Tổng thống Biden nhằm mở đường cho một nhân vật đảng Cộng hòa tiếp quản Nhà Trắng vào năm 2024.
Tuy nhiên, Chủ tịch Viện nghiên cứu Trung Đông Paul Salem lưu ý rằng mặc dù chia rẽ sâu sắc về chính sách đối nội, hai đảng Dân chủ và Cộng hòa vẫn có sự thống nhất đáng kể ở chính sách đối ngoại. Cả hai đều ủng hộ Ukraine và chủ trương cứng rắn với Nga.
Dù đa số đảng viên Cộng hòa muốn hỗ trợ quân sự Ukraine nhiều hơn, nhưng với nguy cơ suy thoái kinh tế tiềm tàng thì một Quốc hội Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát cũng khó lòng gửi thêm hàng tỷ USD viện trợ. Ngoài ra, hai đảng đều chủ trương cứng rắn với Trung Quốc. Một Quốc hội Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát sẽ vẫn đi theo đường hướng này.
Ở chính sách Trung Đông cũng vậy, quan điểm của hai đảng không còn quá khác biệt. Trường hợp điển hình là Iran: chính quyền Tổng thống Biden gần như đã từ bỏ nỗ lực quay lại thỏa thuận hạt nhân 2015, đảng Cộng hòa lâu nay luôn phản đối quay lại. Đảng Cộng hòa nếu giành quyền kiểm soát Quốc hội Mỹ sẽ càng khiến việc này khó xảy ra hơn nữa.
Về quan hệ với vùng Vịnh, hai đảng đều hiểu tầm quan trọng kinh tế lẫn chiến lược của mối quan hệ với Ả Rập Saudi, nhưng họ cũng khó chịu khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng đối tác (OPEC+) do Ả Rập Saudi dẫn đầu quyết định cắt giảm sản lượng và vùng Vịnh tiếp tục giữ quan hệ nồng ấm với Nga. Động thái tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong 3 hội nghị thượng đỉnh tại Ả Rập Saudi thời gian tới cũng làm dấy lên lo ngại.
Quan hệ Mỹ - Ả Rập Saudi lâu đời và sâu sắc, nhưng căng thẳng là có thật. Bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ sẽ không thể làm dịu căng thẳng.
Cả đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa đều ủng hộ Israel và Hiệp định Abraham (gồm một loạt thỏa thuận giúp Israel bình thường hóa quan hệ với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cùng Bahrain). Washington muốn đạt được bước đột phá tiếp theo là quan hệ giữa Israel với Ả Rập Saudi. Tuy nhiên nền chính trị Israel hiện nghiêng về cựu hữu và Tổng thống Biden không có quan hệ tốt với Thái tử Ả Rập Saudi, nên nhiều khả năng phải chờ đến lúc Nhà Trắng đổi chủ mới có thể đạt bước đột phá.