Triển khai nhà ở xã hội: Vấn đề quan trọng là nguồn lực

Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 09:55, 06/11/2022

Thủ tướng cho hay vấn đề quan trọng trong triển khai nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là nguồn lực. Phải tháo gỡ cơ chế nguồn lực làm sao có hợp tác công tư.

Theo thống kê, diện tích nhà ở xã hội chỉ đạt 7,79 triệu m2 so với 12,5 triệu m2 theo yêu cầu. Giá nhà ở xã hội vẫn còn cao trong khi quỹ đất chỉ đáp ứng được hơn 30%. Ngoài ra, nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội cũng chưa được đảm bảo. Đây là những nguyên nhân dẫn đến việc triển khai nhà ở xã hội còn nhiều hạn chế.

Chất vấn tại Quốc hội, ĐBQH Lò Thị Luyến (Điện Biên) cho rằng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được cử tri cả nước hết sức quan tâm, rất nhiều người có nhu cầu nhưng nguồn cung thì thiếu và các quy định hiện hành thì có nhiều điều kiện, người lao động có thu nhập thấp rất khó đáp ứng các điều kiện này.

noxh-2.jpg
ĐBQH Lò Thị Luyến (Điện Biên)

Trả lời vấn đề này, Thủ tướng cho hay vấn đề quan trọng là nguồn lực. Phải tháo gỡ cơ chế nguồn lực làm sao có hợp tác công tư. Ví dụ như việc một doanh nghiệp họ muốn mua nhà cho công nhân thuê lại, nhưng đang vướng  về luật, phải rà soát lại luật pháp để sửa việc này.

“Một việc tôi thấy các nước họ làm nhưng ta chưa làm nhiều, tức là nhà ở xã hội có 3 nội dung gồm: mua, thuê và thuê mua. Đấy cũng là chính sách. Thuê mua hiện nay chúng ta chưa có. Tôi nghĩ cũng phải nghiên cứu thêm về việc này để chúng ta vừa phải mua, ai có tiền thì phải mua ngay, ai không có tiền thì thuê mua. Quá trình thuê 10 năm, 20 năm người ta trả xong, đó gọi là thuê mua. Tôi nghĩ phương thức mình cũng phải tính toán lại thêm”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng nêu: “Vấn đề quy hoạch thế nào? Nhiều đại biểu đã tranh luận, như bây giờ ta có một dự án nhà chung cư cao cấp có 20% để làm nhà ở xã hội thì cũng có những bất cập về hạ tầng, về các dịch vụ khác. Mình cũng phải cải tiến như thế nào cho phù hợp, tức là vừa đảm bảo xây dựng khu đô thị nhưng phải đảm bảo được 20%, nghiên cứu thế nào để cho nó phù hợp và sát với thực tế, có tính khả thi hơn”.

noxh-3.jpg
Thủ tướng trả lời đại biểu tại Quốc hội

Cũng liên quan đến vấn đề nhà ở xã hội, nhiều đại biểu cho rằng việc khó thực hiện mục tiêu về nhà ở xã hội do giá đang ở mức rất cao so với thu nhập của người lao động, trong khi tính khả thi của các dự án cũng cần phải làm rõ.

Ông Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng giá trung bình ở mức trên 15 triệu đồng/m2, có nơi từ 21 đến 25 triệu đồng/m2… Có thể đưa giá nhà ở xã hội phù hợp với khả năng của công nhân, người lao động có thu nhập thấp hay không? Nếu được thì giải pháp nào và trong thời gian bao lâu?”.

Ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng về tổ chức thực hiện vẫn còn khó khăn đó là ngân sách Trung ương chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; một số địa phương chưa chú trọng việc này để tập trung nguồn lực đầu tư hoặc phát triển quỹ đất...”.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, với tín dụng cho nhà ở xã hội, Nghị định 100 của Chính phủ và Nghị định 49 sửa đổi, bổ sung Nghị định 100 đã giao Ngân hàng Chính sách xã hội làm đầu mối, thực hiện cho vay nhà ở xã hội, một số tổ chức tín dụng được chỉ định cũng tham gia chương trình này.

“Tới nay, chương trình vay nhà ở xã hội được Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân 10.584 tỉ đồng, dư nợ tới 30/9 là 9.147 tỉ đồng. Còn các tổ chức tín dụng được chỉ định thì hiện chưa giải ngân được, do tiền cấp bù lãi suất chưa được bố trí cho họ”, bà Hồng nói.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới về vấn đề này, ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng khâu giải phóng mặt bằng có nhiều vướng mắc khi hiện nay vẫn là chủ đầu tư tự thỏa thuận với người dân.

“Việc này mất rất nhiều thời gian, từ 2-5 năm và chi phí cho giải phóng mặt bằng rất lớn. Chưa kể, chi phí giải phóng mặt bằng cấu thành vào giá tính theo định mức nhà nước, nhưng trong thực tế, chủ đầu tư đang trả cho người dân theo thỏa thuận, khiến lợi nhuận của chủ đầu tư đã thấp còn thấp hơn”, ông Quê nói.

Cũng liên quan đến khó khăn về thủ tục đầu tư, ông Quê cho rằng hiện nay thủ tục đầu tư xây nhà ở xã hội và dự án nhà ở thương mại đang khá giống nhau. Thậm chí thủ tục đối với nhà ở xã hội có phần nhiêu khê hơn ở một số khâu, đặc biệt là quá trình mở bán.

“Hiện nay Sở Xây dựng đi phê duyệt từng bộ hồ sơ. Sức người làm sao có thể làm xuể vấn đề này, trong khi sắp tới chúng ta làm nhà ở xã hội rất nhiều với mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội, thì Sở Xây dựng nào có thể xử lý hàng nghìn bộ hồ sơ như vậy?”, ông Quê chia sẻ.

noxh-1.jpg
Nhiều khó khăn trong triển khai nhà ở xã hội

Về vấn đề tín dụng, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho hay trong giai đoạn 2015-2020, Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28.8.2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13 quy định danh mục 21 chương trình mục tiêu được chi ngân sách nhà nước trung hạn giai đoạn 2015-2020, nhưng không có danh mục chi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nên trên thực tế gần như Nhà nước chưa bố trí được nguồn vốn cho vay ưu đãi từ ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Do đó, 4 tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) cũng chưa được cấp bù lãi suất, nên các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội, hoặc các tổ chức tín dụng được chỉ định mà phải vay vốn đầu tư dự án nhà ở xã hội tại các ngân hàng thương mại với lãi suất vay thương mại (khoảng 9%/năm), dẫn đến chi phí đầu tư tăng lên làm tăng giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội. Do vậy trong 7 năm qua, các chủ tư dự án nhà ở xã hội chưa được vay vốn ưu đãi.

Lam Thanh