Bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ có ảnh hưởng đến chính sách về châu Á?
Quốc tế - Ngày đăng : 13:47, 07/11/2022
Chiến thắng cho đảng Dân chủ sẽ tạo điều kiện cho Tổng thống Joe Biden tiếp tục duy trì chính sách đối ngoại hiện tại. Còn nếu đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát một trong lưỡng viện thì Mỹ có khả năng “hướng nội”, ít can dự vào vấn đề bên ngoài lãnh thổ hơn. Tuy nhiên cạnh tranh với Trung Quốc vẫn là chủ đề nóng với cả hai đảng.
Joshua Kurlantzick - chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Hội đồng Đối ngoại (CFR) cho biết ngày càng nhiều chính trị gia đảng Cộng hòa cẩn trọng hơn với sự can dự của Mỹ ở nhiều nơi trên thế giới.
“Nếu đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện, ngay cả một chủ tịch Hạ viện theo chủ nghĩa quốc tế cũng phải phục vụ làn sóng chủ nghĩa biệt lập với hàng loạt hạ nghị sĩ ủng hộ mạnh mẽ chính sách của cựu Tổng thống Donald Trump - nhân vật vẫn rất quyền lực trong đảng và luôn nghi ngờ mối quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh châu Á mà ông xác định không chi tiêu đủ cho quốc phòng”, theo chuyên gia Kurlantzick. Ông còn lo ngại một chủ tịch Hạ viện là đảng viên Dân chủ sẽ xét lại quan hệ với đồng minh như Hàn Quốc hay Philippines.
Chiến thắng cho đảng Cộng hòa cũng có thể ảnh hưởng đến chi tiêu quốc phòng và thỏa thuận quân sự của Mỹ. Nhưng giáo sư Greg Winger (Đại học Cincinnati) cho rằng chính sách đối ngoại có thể không phải ưu tiên hàng đầu của giới nghị sĩ Mỹ. Các quyết định chính sách đối ngoại thường được nhánh hành pháp kiểm soát chặt chẽ để tránh bị thay đổi trong nhánh lập pháp ảnh hưởng quá mức.
Giáo sư Winger cảnh báo khả năng chính sách đối ngoại bị gác lại ngay sau bầu cử giữa nhiệm kỳ vì mỗi đảng tập trung vào chương trình nghị sự chính trị của riêng mình. Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát sẽ tổ chức luận tội Tổng thống Biden để trả đũa hai lần luận tội cựu Tổng thống Trump trước đó.
Lo ngại về Trung Quốc
Theo Giáo sư Winger, cạnh tranh với Trung Quốc sẽ là điểm chung giữa hai đảng. Chuyên gia Kurlantzick nhận định các nghị sĩ Cộng hòa không chỉ thúc đẩy xét lại quan hệ với đồng minh châu Á mà còn gây sức ép buộc chính quyền Tổng thống Biden tái khẳng định lập trường với Đài Loan.
“Tuy vậy ngày càng nhiều đảng viên Cộng hòa lại không muốn can thiệp nếu Đài Loan bị tấn công, đây có thể là mấu chốt gây tranh cãi trong 2 năm tới”, theo chuyên gia Kurlantzick.
Giáo sư Winger lại cho rằng đảng Cộng hòa cũng có thể phải chịu áp lực tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc hơn đảng Dân chủ trước căng thẳng leo thang tại eo biển Đài Loan, điều sẽ dẫn đến tăng đầu tư cho quân sự mà bỏ qua ngoại giao.